Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 13.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh; Trong đó, DNNVV chiếm 97% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; hàng năm có trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tỷ lệ doanh nghiệp/1000 dân năm 2018 đạt 8,75 (nguồn Sở Kế hoạch và Đầu tư). Các DNNVV trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: giải quyết việc làm cho trên 70 ngàn lao động của tỉnh, nhất là lao động tại các vùng nông thôn tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người lao động; đóng góp trên 10% giá trị GRDP của tỉnh; đóng góp gần 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm, xóa đói và giảm nghèo góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ,... DNNVV có vai trò to lớn trong phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và phân phối các sản phẩm này đến các thị trường ở miền núi, nông thôn đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội. DNNVV đổi mới phương thức làm ăn ở nông thôn, góp phần tạo dựng phong cách làm ăn mới, sản xuất tập trung, đưa các sản phẩm hàng hóa thô tham gia vào chuỗi giá trị, là thành phần không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, số lượng DNNVV hoạt động trong nền kinh tế còn thấp; Tỷ lệ đóng góp của DNNVV trong một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh, như: Tỷ lệ đóng góp trong GRDP, tỷ lệ đóng góp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đóng góp thu ngân sách còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh; Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng sản xuất kinh doanh; Năng lực cạnh tranh của các DNNVV còn thấp: Chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNVV hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, ít xây dựng được thương hiệu, chưa vươn xa, chưa đứng vững trên thị trường, mặt hàng kinh doanh không ổn định, lâu dài. Phần lớn các DNNVV của Vĩnh Phúc phục vụ cho thị trường nội tỉnh là chính, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ. Sự liên kết giữa các DNNVV của tỉnh với nhau và với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh còn yếu (chưa trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn). Trình độ công nghệ hạn chế, hệ thống máy móc, trang thiết bị đa phần là cũ, lạc hậu, ít đổi mới công nghệ sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu về khoa học công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến. Hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp còn ở mức hạn chế, thất thoát và tiêu hao nhiều tài nguyên, năng lượng. Đội ngũ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm quản lý, quản trị hiện đại, tiếp cận thông tin và tiếp cận thị trường còn chậm. Phần lớn lao động trong các DNNVV có tay nghề thấp, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao.
DNNVV khó khăn khi tham gia, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn để hình thành và tham gia vào các cụm liên kết, chuỗi giá trị trong việc cung ứng các sản phẩm CNHT trong một số ngành, lĩnh vực thuộc thế mạnh và tiềm năng phát triển của tỉnh: cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, du lịch, nông nghiệp,… DNNVV chưa tận dụng được hiệu ứng lan toả từ các doanh nghiệp lớn để tận dụng cơ hội phát triển cho mình. Dịch vụ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp còn hạn chế. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như kế toán, kiểm toán, tư vấn, đại lý thuế, hải quan chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Chất lượng đội ngũ luật sư chưa cao, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt là Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế; Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa được hình thành trên địa bàn tỉnh; chưa huy động được sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp lớn trong các hoạt động liên kết, góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Mặc dù trong những năm qua đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm giúp đỡ chỉ đạo các sở, ban ngành để tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đem lại kết quả bước đầu trong việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngày 26 tháng 6 năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành (đối với các nội dung của Đề án 844 do ngân sách tỉnh đảm bảo). Vì vậy, để có căn cứ thực hiện nội dung Đề án 844 phù hợp với thực tế của tỉnh và đảm bảo theo quy định hiện hành, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết, kịp thời.