Return to site

NHỮNG MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP CỦA PHỤ NỮ VĨNH PHÚC

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay. Các cấp, các ngành tại tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho những chị em có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiện thực hóa ý tưởng của mình. Qua đó, ngày càng nhiều mô hình phụ nữ làm giàu trên địa bàn tỉnh đạt được thành công, trở thành những điển hình cho phong trào phụ nữ Vĩnh Phúc lập nghiệp.

Vườn Nho Hạ Đen của gia đình chị Nguyễn Thị Hương (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là một những mô hình phụ nữ khởi nghiệp điển hình của tỉnh Vĩnh Phúc. Vốn đam mê làm nông nghiệp, từ lâu, chị Nguyễn Thị Hương đã ấp ủ ước mơ tạo dựng cho mình một sự nghiệp vững vàng ngay trên chính quê hương. Sau một gian tìm hiểu mô hình trồng nho tại Bắc Giang nhưng nhận thấy việc chuyển giao công nghệ tốn rất nhiều chi phí, lại rủi ro nhiều, chị Hương quyết định chuyển qua học tập mô hình trồng Nho Hạ đen thành công ngay tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Với 900 gốc Nho Hạ Đen được mua từ tháng 2/2021, mảnh vườn nhà khoảng 6 sào trước đó trồng nhiều loại cây không có nhiều giá trị kinh tế đã giúp chị Hương và gia đình gặt những trái ngọt ngào.

Chị Hương chia sẻ: “Việc chăm sóc Nho Hạ Đen thời kỳ đầu rất vất vả, thường xuyên phải cắt tỉa, quan sát tỉ mỉ và đúng kỹ thuật mới có thể cho ra nhiều hoa và đậu quả, đến khi ra quả non phải tiến hàng tỉa bớt để chùm nho đến khi thu hoạch đảm bảo được to tròn, đều. Mái che và hệ thống tưới nước tự động là một trong những điều kiện quan trọng nhất để vườn nho của gia đình phát triển tốt”. Tới khi sắp thu hoạch phải đặc biệt quan tâm đến độ ẩm của đất để đảm bảo độ ngọt cho quả.

Để cho vườn nho Hạ Đen được sinh trưởng và phát triển tốt, đúng kỹ thuật, tránh tác hại của sâu bệnh, chị Hương cũng không quản ngày đêm, dù nắng hay mưa cũng thực hiện các quy trình cắt tỉa, chăm bón đúng kĩ thuật được học từ các chuyên gia. Chị cũng mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp đặt mái che nilong để ngăn nước mưa, sương giá và tưới nước tự động đảm bảo độ ẩm thích hợp. Khoản đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng chị Hương thấu hiểu – phải có đầu tư thì mới mong có trái ngọt. Chị cũng may mắn có sự ủng hộ của gia đình và đặc biệt là sự hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền tỉnh, tiếp cận được các gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi, và được thường xuyên kết nối, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia. Qua khảo sát thực tế chi phí ban đầu cho 1 sào nho là khá lớn từ 40 – 50 triệu đồng/ sào, tuy nhiên tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm, mỗi năm cho 02 vụ thu hoạch với sản lượng từ 1,5 tạ đến 1,8 tạ / sào. Nhờ áp dụng đúng quy trình trồng và chăm sóc nên gần 1000 gốc nho của gia đình chị Hương đều đã ra quả với những chùm sai trĩu, quả to, mọng nước, theo đánh giá bước đầu chị Hương nhận thấy giống nho Hạt Đen phù hợp với thổ nhưỡng đất ở đây nên cây nho sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả đẹp, dự báo sẽ cho năng suất cao trong thời gian tới.

Qua mô hình này, có thể thấy đây là mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên mà người nông dân như gia đình chị Hương đã tiên phong đưa giống nho Hạ Đen về trồng trên vùng đất Tam Đảo. Chị Hương cũng là điển hình phụ nữ Vĩnh Phúc tiêu biểu - dám nghĩ, dám khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Không lựa chọn con đường trồng trọt, chị Ngô Thị Tâm - xã Liên Châu, huyện Yên Lạc lại lựa chọn khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi.

Năm 2012, sau 8 năm đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga trở về, chị Ngô Thị Tâm đã nung nấu ý định và quyết tâm khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi. Vạn sự khởi đầu nan - năm 2013, khi xây dựng xong chuồng trại, số tiền hàng tỷ đồng mà chị tích cóp được sau bao năm bôn ba xứ người nhanh chóng cạn kiệt, nguồn vốn trở thành gánh nặng của chị khi kinh nghiệm chưa có khiến chị Tâm hoang mang, không ít lần muốn bỏ cuộc. Và rồi, chính niềm đam mê, yêu thích nghề trồng trọt, chăn nuôi cộng thêm sự giúp đỡ kịp thời về nguồn vốn, máy móc trang thiết bị, nhất là kiến thức khoa học kỹ thuật từ các hội, đoàn thể ở địa phương, chị Tâm vượt qua giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn, vất vả, đưa trang trại đi vào hoạt động ổn định…

Với cách làm bài bản, khoa học, sau gần 10 năm khởi nghiệp, ngoài khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, gà theo quy trình VietGAP, hiện trang trại đã phủ màu xanh mướt của những hàng cây đu đủ, chuối và cỏ sữa. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Tâm thu lãi hàng tỷ đồng từ mô hình kinh tế trang trại này. Trong đó phải kể đến trong 2 năm 2020 - 2021, khi hầu hết các ngành nghề đều chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 song trang trại vẫn thu lãi trên 2 tỷ đồng; dự kiến, trong năm 2022 nguồn thu sẽ cao hơn, đạt khoảng 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình kinh tế trang trại của chị Tâm đang tạo việc làm thường xuyên cho 16 - 18 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8 triệu - 10 triệu đồng/người/tháng.

Với những cố gắng và kết quả tích cực trong sản xuất, chị Ngô Thị Tâm có tên trong danh sách 100 nông dân cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Đây chính là phần thưởng, động lực to lớn để chị tiếp tục hoàn thành những mục tiêu mới, trở thành hình mẫu phụ nữ Vĩnh Phúc hiện đại, năng động, tích cực phát triển để đóng góp cho kinh tế tỉnh nhà.