Return to site

TUỔI TRẺ VĨNH PHÚC HĂNG SAY LẬP NGHIỆP TỪ NGHỀ NÔNG

Sản xuất nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng tất yếu của xã hội. Tại Vĩnh Phúc, đang trở thành câu chuyện thời sự của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc khi ngày càng nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường. Lĩnh vực này cũng thu hút nhiều người trẻ Vĩnh Phúc hăng say lập nghiệp, làm giàu từ đất và nước của quê hương. Chàng cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội Trần Duy Đoan – xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô với mô hình trồng nho Hạ đen chính là một điển hình như thế.

Ở tuổi 26, với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch và hoài bão mong muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, Trần Duy Đoan đã khởi nghiệp thành công bước đầu từ mô hình trồng nho Hạ đen.

Cây nho Hạ Đen có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh Quảng Tây Trung Quốc triển khai đưa vào trồng thử nghiệm trong khuôn viên đất của nhà trường ở Vụ Xuân 2017. Sau 2 năm triển khai với những ứng dụng khoa học kỹ thuật được chuyển giao từ các chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh Quảng Tây, mô hình đã thu được kết quả. Cụ thể: Giống nho Hạ Đen, vụ đầu tiên cho quả to, khối lượng chùm lớn, năng suất cao hơn hẳn các giống nho hiện đang có tại Việt Nam, với năng suất nho đạt 20 tấn/ha, đặc biệt là không có hạt. Nhận thấy giống nho này có thể thích ứng để trồng tại quê hương, Trần Duy Đoan lên kế hoạch khởi nghiệp bằng một mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với giáo dục và du lịch trải nghiệm.

Với ước mơ ấp ủ, Trần Duy Đoan đã tận dụng 2 năm du học tại Nhật Bản để tiếp cận và học hỏi những mô hình sản xuất tại một trong những nền nông nghiệp hiện đại nhất hành tinh. “Đam mê với nông nghiệp và mong muốn bản thân cũng như mọi người đều được thụ hưởng những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tôi đã tìm đến nhiều mô hình kinh tế để tham quan, trải nghiệm và quyết tâm thôi thúc đến với nông nghiệp sạch. Vì vậy, tôi nhận thấy, giống nho Hạ đen sẽ là loại cây phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng quê hương. Hơn nữa, ở Vĩnh Phúc cây nho Hạ đen được trồng rất sớm nhưng đến nay số mô hình phát triển còn ít, thị trường đầu ra vẫn dồi dào nên tôi quyết định đầu tư vào giống nho này” - Anh chia sẻ.

Sau khi về nước, Đoan cũng chưa vội vã bắt tay ngay vào việc xây dựng, mà anh tiếp tục giành thời gian tham quan và học hỏi thêm các mô hình trong nước. Điều này góp phần không nhỏ giúp anh tránh được sai lầm từ những người đi trước, đồng thời có thêm thời gian để thuyết phục gia đình hỗ trợ anh đầu tư. Đến tháng 4/2021, anh Đoan bắt tay vào gieo trồng 1.400 gốc trên diện tích 4.000m2, chính thức đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án khởi nghiệp “Xây dựng mô hình vườn nho sinh thái kết hợp với giáo dục và du lịch trải nghiệm tại huyện Sông Lô”.

Không chỉ có được sự hậu thuẫn vững chắc của gia đình, anh Đoan chia sẻ, anh may mắn khi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc. Thông qua sự hỗ trợ đó, anh Đoan có cơ hội tìm đến các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu để nghe những được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm nông. Đồng thời, tìm kiếm kinh nghiệm đầu tư hệ thống giàn mái che, nước tưới tự động nhỏ giọt, phun sương... Trần Duy Đoan chia sẻ, thời kỳ đầu chăm sóc giống nho này rất vất vả, thường xuyên phải cắt tỉa, quan sát tỉ mỉ và đúng kỹ thuật, nho mới cho nhiều hoa và đậu quả; khi ra quả non phải tiến hành tỉa bớt quả để chùm nho đến khi thu hoạch được to, tròn, đều. Ngoài ra, mái che và hệ thống tưới nước tự động là 2 trong những yếu tố quan trọng để vườn nho phát triển tốt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, ở lứa đầu tiên để dưỡng cây anh chỉ cho cây đạt quả 60%, thu được 4 tạ quả/1.000m2. Anh bán ra với giá 160.000-180.000 đồng/kg. Ngay từ vụ đầu, nho của gia đình đã được đánh giá có vị ngọt đậm, thơm và mọng nước. Thấy có hiệu quả nên Đoan cùng gia đình tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thêm các loại nho mới. Đến nay, diện tích trồng nho của gia đình Đoan đạt trên 1,2ha với các giống nho sữa, Hàn Quốc, nho ngón tay… đều là những loại nho khó trồng nhưng được thị trường ưa chuộng, giá trị cao.

Với sự hỗ trợ của sở ban ngành địa phương, Trần Duy Đoan cũng được kết nối với một số chuyên gia về sư phạm nghiên cứu, phân tích và xác định nhu cầu hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong các nhà trường hiện nay; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường; thiết kế, xây dựng các mô hình trải nghiệm phù hợp với từng cấp học; hợp tác với các cơ sở giáo dục phát triển nông trại theo hướng du lịch học tập; xây dựng các chương trình đem đến tư liệu học tập bổ ích cho học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, học tập.

Để nhiều người biết đến nông trại nho sạch, anh Đoan đã quảng bá hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Fanpage; đăng ký thiết lập định vị tìm kiếm nông trại nho sạch trên google.map; số hóa các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP; mở cửa đón chào du khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Các du khách có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm nho sạch, an toàn cung cấp ra thị trường của nông trại. Bên cạnh đó, các hoạt động nông trại còn được anh tập hợp thành tư liệu giáo dục cho các khóa đào tạo học tập, tham quan trải nghiệm thực tiễn tại nông trại gắn với các bài học lý thuyết trong các nhà trường ở nhiều cấp học.

Với sự đầu tư bài bản, dự án khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái kết hợp học tập trải nghiệm ở nông trại nho sạch của chàng trai trẻ Trần Duy Đoan đã trở thành điểm sáng về phát triển hoạt động nông nghiệp theo định hướng du lịch trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, góp phần thúc đẩy quảng bá các hoạt động du lịch tại địa phương, đồng thời, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành tư duy sản xuất mới cho những người nông dân vốn chỉ quen với cây lúa, củ khoai, củ sắn.