Từ trước đến nay, Vĩnh Phúc vẫn nổi danh là vùng đất có bề dày lịch sử, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng - quê hương đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, con người với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp thu tinh thần của thế hệ cha ông đi trước, học sinh, sinh viên Vĩnh Phúc ngày càng thể hiện rõ sức mạnh tuổi trẻ khi ghi tên mình vào đội ngũ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc nói riêng và lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đã không ngừng nỗ lực tạo lập môi trường khuyến khích, hỗ trợ, tiếp sức cho cộng đồng học sinh, sinh viên phát huy tiềm năng khởi nghiệp.
Tại ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Vĩnh Phúc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Việt Nam đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, các doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Ở nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, trong đó đặc biệt phải kể đến Đề án khởi nghiệp quốc gia 844, Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp 1665 của Chính phủ. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành, cơ quan và địa phương đều có các chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Vĩnh Phúc, với truyền thống đất học và tinh thần đổi mới sáng tạo đang lên cao, lãnh đạo địa phương quan tâm đến việc tạo cơ chế chính sách khuyến khích mọi thành phần tham gia khởi nghiệp, trong đó đặc biệt là lực lượng học sinh, sinh viên với những tiếp thu tiến bộ xã hội, xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Song song cùng việc triển khai Đề án 844, Đề án 1665 của Chính phủ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy tuổi trẻ khởi nghiệp. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn năm 2022. Trong đó đặt mục tiêu 100% các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có kế hoạch hỗ trợ HSSV khởi nghiệp năm 2022; 100% HSSV tại các cơ sở GDNN được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho HSSV các cơ sở GDNN; 100% các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh hình thành Trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp hoặc các Câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV; các trường trung cấp và trung tâm còn lại có Tổ hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản nhằm hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường, trung tâm; Có ít nhất 03 trường cao đẳng có ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; Tổ chức ít nhất 01 đoàn học tập trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; và 50% các trường cao đẳng, trung cấp tăng cường bố trí nguồn vốn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; tăng cường công tác kết nối với doanh nghiệp, vận động xã hội hóa nguồn lực tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và huy động vốn hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc, Sở KH&CN Vĩnh Phúc, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc cùng các cơ quan liên quan đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Phúc cũng đề ra nhiều giải pháp đổi mới nội dung, hình thức triển khai chương trình tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục theo từng cấp học; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cũng phấn đấu tạo dựng môi trường hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi, phát triển các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp; Hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.... Những nỗ lực này không chỉ góp phần hỗ trợ học sinh, sinh viên Vĩnh Phúc có điều kiện khởi nghiệp tốt nhất, mà còn khơi dậy khát vọng, tinh thần ‘người trong cuộc’ của rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, để cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương Vĩnh Phúc giàu đẹp hơn.
