Thế giới đã có 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ đúng với VN mà còn là thực tế đòi hỏi tại mọi quốc gia, khi khoảng cách địa lý đang ngày càng bị xóa nhoà bởi sự kết nối xuyên biên giới, xuyên thời gian của công nghệ số.
Tại Vĩnh Phúc, 3 năm qua, hoạt động của doanh nghiệp trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi dịch Covid-19 đến và để lại những hậu quả nặng nề. Nhưng cũng chính trong bối cảnh này, làn sóng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để thích nghi với tình hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành, sản xuất để duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này trước hết phải kể đến sự chủ động thích ứng, chuyển đổi để phù hợp với điều kiện sản xuất mới của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ảnh 1: Một buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các DN CNTT trên địa bàn
Để cộng đồng DN Vĩnh Phúc có điều kiện phát huy tiềm lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của ngành CNTT, lãnh đạo địa phương luôn dành sự quan tâm lớn cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT trên địa bàn.
Về mặt chính sách, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những chỉ đạo, cơ chế cụ thể để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); trong đó, tỉnh ưu tiên thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
Với mục đích xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào mọi lĩnh vực, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên nguồn lực, tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Xây dựng các cơ chế chính sách về chuyển đổi số và sẽ đẩy mạnh chữ kí số cho doanh nghiệp khi thành lập và đăng ký kinh doanh; tổ chức ký kết hợp tác ghi nhớ về chuyển đổi số trong quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp, biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi, mở cơ hội từ các cơ chế để các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ thông tin tiếp cận, tham gia, đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong quá trình chuyển đổi số...
Đặc biệt, theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI 2021 - Kết quả xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2021 cho thấy Vĩnh Phúc đạt 0,4880 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng ấn tượng 43 bậc so với năm 2020. Trong đó, 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Vĩnh Phúc nằm trong top 10. Cá biệt trong 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, Vĩnh Phúc xếp thứ 1/63 tỉnh thành về chỉ số thể chế số. Cùng với đó, các chỉ số nhân lực số, an toàn thông tin mạng xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với thứ hạng lần lượt là 3/63 và 4/63 tỉnh thành. Từ kết quả đánh giá và xếp hạng của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, năm 2021, địa phương đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số trên địa bàn. Các văn bản, nghị quyết, quyết định kịp thời của lãnh đạo địa phương đã thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đi đúng đường lối của Trung ương cũng như mục tiêu của tỉnh trong chuyển đổi số. Điều này cũng là tiền đề không nhỏ cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT của tỉnh có cơ hội phát triển. Điều này thể hiện rõ khi ngày càng nhiều các ứng dụng công nghệ số hiện đại được đưa vào ứng dụng trong đời sống là kết quả của những nghiên cứu của các startup trên địa bàn tỉnh. Số lượng các dự án CNTT tham gia các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại địa phương này cũng ngày càng tăng lên.
Lãnh đạo Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để phát triển, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành Tỉnh trọng điểm về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa đến các tỉnh trong Vùng Trung du Miền núi phía Bắc và Vùng Đồng bằng sông Hồng, trở thành mô hình điểm thực hiện chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030. Đây cũng là một bước tiến trong việc thực hiện “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, góp phần kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế. Trong đó, CNTT là một trong những mũi nhọn ưu tiên trong tiến trình thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, song hành cùng các Kế hoạch, Đề án chuyển số tại địa phương này.