Mục tiêu đến năm 2020:
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
- Có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Mục tiêu đến năm 2025:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp
- 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đó là các mục tiêu được đặt ra trong Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề án nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hay còn gọi là Đề án 1665), được thủ tướng phê duyệt năm 2017. Với việc thông qua Đề án này Bộ Giáo dục và Đào tạo hi vọng làn sóng khởi nghiệp sẽ được khơi dậy ngay từ trong ngôi trường cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào quá trình hiện thực hóa các ý tưởng của sinh viê, cùng với việc phát huy thế mạnh của nhà trường trong đào tạo chứ không chờ vào ngân sách nhà nước. Hàng loạt trường đại học, các cơ quan ban ngành cũng đã cùng nhau hiện thực hóa chủ trương này bằng nhiều chương trình thực tế để tiếp sức cho sinh viên khởi nghiệp.
Điển hình như trường ĐH Cần Thơ.
Vào cuối năm 2015, Đại học Cần Thơ đưa thêm bộ môn Khởi sự doanh nghiệp thành một môn học tự chọn, thí điểm ở khoa Kinh tế đã thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên có tinh thần khởi nghiệp. Nhờ lớp học này đã chắp cánh cho một số ý tưởng khởi nghiệp của một số em sinh viên, giúp các em phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và cách làm thế nào để đưa ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Không chỉ bồi dưỡng thêm kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, thời gian qua các giảng viên bộ môn này của trường đại học Cần Thơ còn giúp sinh viên lựa chọn ra những ý tưởng khởi nghiệp khả thi và giúp các em hoàn thiện sản phẩm của mình để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp thành phố khu vực và toàn quốc. Mục tiêu của Bộ Giáo dục và đào tạo là nâng cao tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trong các trường đại học trên cả nước. Đồng thời, hình thành đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp chuyên nghiệp, có trình độ cao để thực hiện công tác đào tạo về khởi nghiệp trong các trường đại học. Chương trình hành động quốc gia khởi nghiệp của bộ đã tạo được hiệu ứng tốt khi các trường đại học đã tổ chức ngày càng nhiều những cuộc hội thảo đẩy mạnh việc triển khai các chương trình tập huấn doanh nghiêp cho giảng viên và sinh viên.
Nhấn mạnh tầm qua trọng của giáo dục đối với quá trình khởi nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chia khởi nghiệp thành ba giai đoạn gồm: truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp thì trong cả ba giai đoạn đó, giáo dục đều có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, tương ứng với mỗi giai đoạn của quá trình khởi nghiệp, vai trò của các nhà trường ở từng cấp học khác nhau. Ở giai đoạn truyền cảm hứng các nhà trường đạc biệt là các trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và các kỹ năng, tư duy về đổi mới sáng tạo cho học sinh. Trong giai đoạn hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh thì các trường học cần cung cấp cho các học sinh, sinh viên các kiến thức để hình thành các doanh nghiệp. Ở giai đoạn khi đã thành lập được doanh nghiệp thì người quản lý cần rất nhiều những kiến thức để quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là tái khởi nghiệp để đưa doanh nghiệp lên những tầm cao mới, bền vững hơn. Để thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong thời gian tới cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, trường học phải vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Cùng với đề án 844, Chính phủ kỳ vọng sẽ thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, đồng thời phát huy vai trò của nhà trường trong phong trào khởi nghiệp toàn quốc. Điều này đã được hiện thực hóa bằng việc ngày càng nhiều trường đại học tại Việt Nam hình thành các vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Tiêu biểu phải kế đến BK Holding của trường đại học Bách khoa Hà Nội, FIIS của ĐH Ngoại thương. Nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho lứa tuổi học sinh sinh viên cũng được tổ chức thường xuyên, trở thành sân chơi bổ ích cho nhiều bạn trẻ bước những bước đi đầu tiên trên con đường khởi nghiệp.