Return to site

MGREEN VÀ HÀNH TRÌNH VÌ MỘT VIỆT NAM XANH

Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều, giúp tối ưu hóa việc triển khai các hoạt động của doanh nghiệp, giúp ích cho rất nhiều hoạt động của cuộc sống. Chỉ cần một nút bấm trên điện thoại là có người chở chúng ta về nhà hay chỉ cần một lúc bấm là có người mang đồ ăn đến cho chúng ta. Vậy thì tại sao mọi người không thể nghĩ là chỉ cần một nút bấm là sẽ có người đến thu rác thải, tái chế và lại còn được tích điểm đổi quà để mua sắm các dịch vụ khác? - Chia sẻ của chị Trần Thị Thoa - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Xã hội MGreen.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày lượng rác thải ra khoảng 8.000 tấn và 10.000 tấn/ngày tạo nên sức ép khi sức chứa của các bãi xử lý rác.

Trong số hàng nghìn tấn rác này thì có khoảng gần 20% là rác tái chế. Và nếu 20% rác được tái chế sẽ tương ứng với khoảng 3 triệu tấn rác/mỗi năm không còn bị thải ra môi trường, vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác và quan trọng hơn, rác sau khi tái chế sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác.

Do đó, đẩy mạnh hoạt động phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, từ đó giảm tải cho các bãi xử lý rác thải, mà còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Việc phân loại rác tại nguồn còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Và giờ đây, tất cả những điều đó đều được mGreen thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.

Chị Trần Thị Thoa - đồng sáng lập mGreen cho biết: “mGreen thành lập với mục đích kêu gọi và thu gom rác tái chế ngay từ đầu nguồn. Số điểm được đổi thành quà qua ePoint - sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí. Đây chính là cách khuyến khích người dân chủ động phân loại rác. Hiệu quả lớn hơn mà mGreen mang lại chính là tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn - một trong những bài toán khó trong giải quyết vấn đề rác thải đô thị. Từ đó, giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải”.

Điểm khác biệt của mGreen chính là việc ứng dụng công nghệ vào việc phân loại rác. Dự án ứng dụng công nghệ trên điện thoại để việc phân loại rác dễ dàng, gia tăng lợi ích và cơ chế kiểm soát việc thực hiện, lưu trữ lịch sử phân loại rác và thông báo thường xuyên với cư dân.

broken image

Giao diện của ứng dụng mGreen

Đồng sáng lập mGreen cũng cho biết, mGreen phát triển hệ sinh thái gom 3 ứng dụng, bao gồm mGreen user dành cho hộ gia đình, mGreen Collector dành cho lực lượng thu gom rác chính thức và phi chính thức và Mpoint shop để đổi quà tặng thông qua điểm tích lũy.

Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng mGreen, mỗi hộ gia đình được hướng dẫn và tự thực hiện việc phân loại rác, sử dụng ứng dụng để đặt lịch thu gom rác tái chế, được tích điểm từ việc phân loại rác và tích điểm liên kết khi tiêu dùng mua sắm; đổi được nhu yếu phẩm và nhiều phần quà có giá trị trong các lĩnh vực ăn uống, mua sắm, giáo dục, tiêu dùng trên cả nước.

Trên thế giới, nhiều dự án ứng dụng công nghệ được phát triển và trở thành những kênh kết nối giữa người dân và các đơn vị thu gom rác. Nhờ những ứng dụng này mà hệ thống quản lý chất thải chặt chẽ, tạo thành vòng tuần hoàn kinh tế đảm bảo các bên, cụ thể là người dân, doanh nghiệp thu gom và Nhà nước cùng có lợi.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, rác thải sẽ là nguồn tài nguyên quý giá nếu được thu gom, phân loại và xử lý đúng quy trình, khoa học. Thực tế tại Việt Nam, nguồn lực cho hoạt động quản lý rác thải là không nhỏ nhưng hiệu quả thu gom, xử lý chưa cao. Việc ra đời những ứng dụng như mGreen sẽ giúp việc quản lý môi trường dễ dàng hơn, hiệu quả hơn khi các công đoạn từng bước được số hóa.

broken image

Chị Trần Thị Thoa trong một chương trình Pitching gọi vốn đầu tư của VSV

“Khi rác phân loại đã đầy thùng, người dân mở thẻ trên điện thoại, nhấn nút thông báo là sẽ có lực lượng đến thu gom, số điểm cao hay thấp tùy vào lượng rác phân loại và được quy đổi khi sử dụng các dịch vụ mua sắm, giải trí... Điều chúng tôi hướng đến là xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn, không chỉ giảm áp lực xử lý rác mà còn mang lại giá trị kinh tế. Mục tiêu trong thời gian tới, thông qua ứng dụng sẽ có 10 triệu dân phân loại rác. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ về quản lý rác thải cho các tỉnh, thành và mở rộng thị trường ở nước ngoài”. Đây là kỳ vọng của chị Trần Thị Thoa cùng những người đồng sáng lập mGreen. Với những con số ấn tượng có được sau 3 năm triển khai như 10.000 cư dân, học sinh, giáo viên tham gia chương trình phân loại rác, liên kết được 300 địa điểm đổi quà, 10 người thu gom rác tái chế làm việc bằng app mGreen collector; có 100 đại sứ môi trường mGreen đồng thời hỗ trợ phân loại và thu gom được 50 tấn rác tái chế. chúng ta có cơ sở tin vào kỳ vọng của mGreen sẽ sớm được hiện thực hóa.