Tháng 7/2022, startup du lịch công nghệ Tubudd đã gọi vốn thành công từ quỹ khởi nghiệp TheVentures (Hàn Quốc).
Ông Chris Kim, đại diện quỹ này tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những đất nước được nhiều người Hàn Quốc yêu thích, muốn đi du lịch. Sau đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đang hồi sinh nhanh chóng với tiềm năng to lớn, và đầu tư cho Tubudd chính là bước đầu tiên của chúng tôi”.
COVID-19: Cú sốc với du lịch
Tubudd (cách gọi biến thể của “tour buddy” - “người bạn của chuyến đi”) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018, xuất phát từ ý tưởng của một nhóm du học sinh tại thành phố Manchester (Anh).
Với vai trò kết nối du khách và hướng dẫn viên bản địa, nền tảng Tubudd trở thành 1 trong những lựa chọn tối ưu cho khách du lịch muốn trải nghiệm, khám phá Việt Nam cùng các hướng dẫn viên bản địa. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, cùng với sự đóng cửa của thị trường du lịch, doanh nghiệp này đã gặp không ít thách thức để duy trì hệ thống.
Anh Athony Cruickshark – Đồng sáng lập Tubudd chia sẻ: "Năm 2019 chúng tôi dự kiến sẽ có 1 nhà đầu tư tiềm năng với khoản vốn lớn để phát triển ứng dụng và thị trường tại Việt Nam nhưng thật không may dịch Covid bùng phát và họ đã dừng việc đầu tư vào chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi rất khó khăn và nỗ lực để duy trì hệ thống trong bối cảnh này".
Theo khảo sát của Tech in Asia, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19. Một số công ty chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh từ tháng 12/2019 đến nay. Một số khác đã bỏ lỡ mục tiêu năm 2020, 2021 do tác động của dịch. Các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Mỹ mô tả sự kiện này là "thiên nga đen " - hiện tượng kinh tế cực kỳ hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, sự tác động này cũng nặng nề không kém. Các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách, doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới vô cùng mạnh mẽ.
Các công ty startup du lịch – với những mô hình mới và tiềm lực còn non trẻ như Tubudd - lẽ dĩ nhiên phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Trong nguy có cơ
Trong bối cảnh đó, nằm im chờ bão qua hay chuyển mình để thích ứng trở thành câu hỏi lớn đối với nhiều startup. Những người sáng lập Tubudd lựa chọn tìm hướng rẽ khác là tập trung phục vụ khách nước ngoài mắc kẹt tại Việt Nam.
Chị Vũ Thị Thái An – Co Founder, CEO của Tubudd chia sẻ: "Họ là người nước ngoài ở đây thì họ cần người phiên dịch, đi bệnh viện, rất nhiều nhu cầu thời điểm đó. Tubudd tập trung phục vụ cho họ thì nhận ra đối tượng khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam là đối tượng rất cần những dịch vụ chăm sóc mà chưa có. Họ có thể đến tìm hiểu thủ tục visa, ở lại Việt Nam, xét nghiệm Covid, di chuyển giữa các tỉnh thành của Việt Nam, biên dịch, phiên dịch... Trong 2 năm qua Tubudd tập trung sản phẩm dịch vụ có thể bán được cho người nước ngoài đang sống ở Việt Nam, khách nước ngoài đến Việt Nam làm việc và người Việt đi du lịch khắp Việt Nam. Đó là những đối tượng Tubudd tập trung vào và có nhu cầu cao".

Chị Vũ Thị Thái An – Co Founder, CEO của Tubudd
Hướng đi này đã giúp cho Tubudd có được lợi nhuận để duy trì hoạt động của công ty giữa khó khăn của dịch bệnh. Ngoài khoảng 500 khách hàng cá nhân, có khoảng 50 công ty có người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã ký kết hợp đồng với Tubudd hàng tháng, hàng quý.
Nắm bắt cơ hội và bứt phá sau đại dịch
Ông Đào Quang Thuận - Chủ nhiệm CLB Du lịch thông minh cho biết cũng vì vướng dịch Covid nên các hoạt động của câu lạc bộ cũng bị chậm lại và giờ mới hoạt động trở lại. Theo ông, thời gian Covid vừa rồi cũng là lúc tốt để mọi người ngồi lại với nhâu, xây dựng hạ tầng kết nối hệ thống để sau Covid triển khai được luôn, để kết nối. Các startup cơ bản đã tinh gọn, kết nối lại hệ thống sau Covid thì sẽ phát triển rất nhanh. Nếu các startup thay đổi được tư duy, có cách tiếp cận đúng thì mình sẽ triển khai được quyết liệt và đi vào thực tế rất tốt.
Và Tubudd là một minh chứng cho nhận định đó. Sau những nỗ lực chuyển đổi và thích ứng trong hơn 2 năm Covid, ngay khi Việt Nam mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tháng 7/2022, Tubudd gọi vốn thành công và nhận đầu tư khoản đầu tư 6 chữ số từ quỹ TheVentures đến từ Hàn Quốc (quỹ có trụ sở tại Seoul, Singapore, TP. Hồ Chí Minh dành cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tập trung vào công nghệ, cộng đồng và tác động).
Với khoản đầu tư từ TheVentures, Tubudd tái định vị thương hiệu với mục tiêu và sứ mệnh mới dựa trên giá trị cốt lõi là một nền tảng kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn bản địa. Tubudd phiên bản mới dành hơn 40% nguồn lực để tạo ra các kết nối minh bạch hơn, an toàn hơn cho các doanh nhân quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường với những trợ lý hành trình người Việt có ngoại ngữ xuất sắc, thấu hiểu nghiệp vụ. 60% nguồn lực sẽ được tiếp tục dành cho các hoạt động du lịch.

Lễ ký kết đầu tư giữa quỹ TheVentures và Tubudd
Hiện nay, Tubudd đang triển khai liên kết với các câu lạc bộ ngoại ngữ, hướng nghiệp trong các trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm nguồn nhân lực, với mục tiêu cung cấp 1.000 hướng dẫn viên đạt tiêu chuẩn trong năm 2022. CEO Vũ Thị Thái An mong muốn tổ chức các hoạt động gặp mặt, học tập và giao lưu giữa tập thể “buddy” ở từng thành phố, để mọi người hiểu và gắn kết với nhau hơn. Đồng thời, Tubudd sẽ phát triển các chiến lược như nâng cao chuyên môn hoá những người làm du lịch địa phương theo các nhóm phân loại, xếp loại. Tubudd mong muốn trong tương lai không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà sẽ phát triển sang các thị trường tiềm năng như Thái Lan, Malaysia, Philipines, Indonessia, Hongkong.
Nhìn lại lịch sử thế giới, đã có rất nhiều startup tên tuổi được thành lập từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và vẫn đang duy trì tình hình kinh doanh tốt ngay trong đại dịch này. Điển hình phải kể đến Uber (2009), Whatsapp (2009), Pinterest (2010), Instagram (2010) …
Sự nhanh nhẹn và linh hoạt của những người lãnh đạo khi đương đầu với những thử thách bất ngờ sẽ góp phần quan trọng vào sự sống còn của startup. Thị trường du lịch đã mở cửa trở lại, nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục. Đây sẽ là cơ hội bứt phá và vươn lên cho Tubudd nói riêng và startup Việt nói chung.