Return to site

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO VIỆT NAM

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững và từng bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, cụ thể là: Đã hình thành khung pháp lý ban đầu về đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới nhà đầu tư, nhà tư vấn khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động tương tác giữa các chủ thể, bước đầu nhân rộng được các mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh; triển khai hoạt động đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo theo các phương pháp hiện đại, đồng thời đã nâng cao nhận thức xã hội về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, khả năng gọi vốn đầu tư và tiếp cận thị trường toàn cầu để hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác giá trị tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ, mô hính kinh doanh mới năng suất và chất lượng giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được nâng lên.

Tuy nhiên các cơ chế chính sách và hành lang pháp lý hiện hành về khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giao cho các ngành, lĩnh vực triển khai thực tế chưa có sự thống nhất, đồng bộ, cụ thể:

Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện;

Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30 tháng 06 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, giao trách nhiệm cho Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện;

Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc duyệt Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện;

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện;

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giao trách nhiệm cho Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện.

Do đó, thông tin về hệ sinh thái còn thiếu, phân tán, chưa có nguồn lực để triển khai thống kê, khảo sát về thực trạng các thành phần cũng như liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt là chưa có phương thức, công cụ hỗ trợ thu thập dữ liệu, khai thác và cung cấp dữ liệu có ích tới các thành phần của hệ sinh thái. Đây là nhu cầu rất cần thiết cho công tác liên kết, kết nối giữa các chủ thể của hệ sinh thái, dẫn đên việc: Nhà đầu tư thì không biết tìm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở đâu và ngược lại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không biết tìm hỗ trợ cụ thể ở đâu… Công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao; hoạt động liên kết của các cá nhân khởi nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia để tạo thành các nhóm, mạng lưới hoạt động khởi nghiệp sáng tạo;

Đầu mối theo dõi, tham mưu, tổng hợp, đánh giá phân tích, hỗ trợ cho việc liên kết một cách khoa học, dựa trên dữ liệu thực, để cung cấp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách một cách chính xác đầy đủ và kịp thời. Với định hướng phát triển một môi trường thuận lợi để hỗ trợ các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mà trọng tâm là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành lập và phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, cần thiết phải có phương thức kết nối, liên kết các chủ thể của hệ sinh thái, theo dõi, cập nhật thông tin về hệ sinh thái hướng tới phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh và kết nối với quốc gia và quốc tế một cách chặt chẽ, thống nhất cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai các nội dung nhằm đặt đạt được những mục tiêu đề ra.