Return to site

THỜI CỦA CÔNG NGHỆ

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó có cộng đồng startup. Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch không ít startup vẫn tìm được cách thích ứng và cơ hội phát triển. Trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh công nghệ của các startup lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc. Theo một báo cáo từ Do Ventures, trong số 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, các công ty Việt Nam chiếm 16% trong tổng số tiền nhận cam kết đầu tư thời gian qua, xếp thứ 3 và chỉ đứng sau Singapore (37%) và Indonesia (30%). Thực tế cho thấy các quyết định giãn cách, hạn chế đi lại làm chậm dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, song các nhà đầu tư mạo hiểm lại xem Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo đánh giá của Startup Blink 2021, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí 59/100 Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu so với năm 2020. Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện đang nằm trong top 20-25 hệ sinh thái năng động hàng đầu. Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với việc nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây. Vượt lên trên khó khăn của đại dịch Covid-19, công nghệ tài chính (Fintech) là 1 trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Nếu như năm 2015, toàn thị trường công nghệ tài chính Việt Nam chỉ có 67 công ty, nhưng con số này lần lượt tăng lên 94 công ty vào năm 2017 và 141 công ty vào năm 2020. Theo báo cáo của Statista, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tăng đều đặn và nhanh chóng trong suốt các năm từ 2017 đến 2021. Tính đến năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đạt 12,922 triệu USD; con số này trong năm trước là 9,985 triệu USD và dự đoán sẽ tăng lên 22,056 triệu USD vào năm 2025.

Năm 2022, startup công nghệ của Việt Nam cũng đã liên tục "nóng" lên với các vòng gọi vốn thành công như ứng dụng thương mại điện tử giao hàng siêu tốc Rino vừa huy động thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư pre-seed từ một nhóm các nhà đầu tư. Fintech Funding Societies đã huy động được tổng cộng 144 triệu USD, dẫn dắt bởi SoftBank Vision Fund 2 cùng với các nhà đầu tư mới. Hay như Selex Motors - startup Việt trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất xe máy điện, pin và hệ thống trạm thay pin, vừa gọi vốn thành công 2,1 triệu USD vòng tiền hạt giống. Dẫn đầu bởi Touchstone Partners, vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của các nhà đầu tư như ADB Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Nextrans - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tích cực nhất tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm đến làn sóng công nghệ số trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và quỹ đầu tư Do Ventures, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kỷ lục 1.4 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1.5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019. Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam cũng tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, kế tiếp là Việt Nam và Mỹ.

Việc các quỹ đẩy mạnh đầu tư vào startup công nghệ được cho là do Việt Nam là thị trường mới nổi quy mô lớn với dân số lên đến 100 triệu người, nền kinh tế phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều "điểm nghẽn – pain point" trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là logistics, y tế, giáo dục, tài chính, bảo hiểm... Cùng với đó, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), với hơn 1 triệu nhân sự, và con số này đang tăng lên mỗi năm.

Trên thực tế, thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đang được dẫn dắt bởi các quỹ ngoại, vì các quỹ nội hiện chưa mạnh về nguồn lực, công nghệ. Các quỹ ngoại và quỹ nội đều có những thế mạnh và hạn chế khác nhau. Quỹ nội hiện chưa có nhiều và chưa có quy mô lớn; số lượng quỹ nội được quản lý và dẫn dắt bởi đội ngũ đã từng làm và am hiểu về khởi nghiệp công nghệ còn hạn chế. Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, công nghệ sẽ tiếp tục là lĩnh vực được các quỹ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Do đó, muốn nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư này, các startup cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và việc đầu tư, ứng dụng những ý tưởng mới vào hoạt động của mình. Ý tưởng và giải pháp đổi mới sáng tạo không những giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu hàng đầu là tối ưu hóa lợi nhuận theo một cách mới, đồng thời cũng là cách để các doanh nghiệp bắt kịp với nhu cầu và xu hướng mới chuyển đổi không ngừng của thị trường.