Return to site

HỖ TRỢ STARTUP NÔNG NGHIỆP THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG

Tại Việt Nam, hàng nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ đạo, có vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, các chuỗi cung ứng đang là một giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại.

Thị trường nông nghiệp sạch hiện là mảnh đất màu mỡ cho những người yêu thích kinh doanh. Người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các quy định chất lượng hay chứng nhận vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ startup nông nghiệp nào ra đời cũng được duy trì thành công.

Tại Vĩnh Phúc, với đặc thù nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, cùng với địa lý khí hậu đa dạng, thích hợp cho nhiều sản phẩm nông sản, địa phương này đã thành công bước đầu trong việc thu hút ngày càng nhiều người tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình trồng nho, dưa lưới, nuôi gà... đã và đang gây được tiếng vang lớn trong địa bàn tỉnh, trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm lớn cho nhiều đơn vị phân phối uy tín. Đấy chính là những ví dụ tiêu biểu của việc tham gia vào chuỗi giá trị của các startup nông nghiệp.

Nhằm hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trẻ, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào chương trình OCOP. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm của HTX thí điểm, kết nối vào hệ thống phân phối như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…; tạo lập chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần quảng bá sản phẩm có chất lượng đến với các địa phương, tỉnh thành khác trong cả nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng thị trường trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Nhờ đó, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Khi nhìn nhận chuỗi cung ứng như một chuỗi giá trị thì có thể thấy vị trí của thương hiệu là một trong các khâu cơ bản trong chuỗi và là một trong những khâu mang lại giá trị gia tăng cao hơn các khâu khác. Với vị trí là nấc cuối cùng trong chuỗi cung ứng, thương hiệu có sức mạnh rất lớn trong việc đóng góp vào giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và sản phẩm, đồng thời chi phối toàn bộ chuỗi giá trị bởi lẽ khi đứng ở vị trí này thương hiệu tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Và điều đơn giản là tất cả các sản phẩm trên thế giới, cuối cùng đều phục vụ cho khách hàng, nên thương hiệu là khái niệm sâu sắc nhất, có thể thỏa mãn nhu cầu khách hàng một cách triệt để nhất. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm tới những sản phẩm có thương hiệu và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng cũng bắt đầu muốn “biết” nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, kinh doanh khi cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt. Có thể khẳng định chuỗi cung ứng là một trong các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp so với đối thủ cùng ngành, cùng lĩnh vực. Trong đó quản trị chuỗi cung ứng có tác động rất lớn đến sự tín nhiệm của khách hàng, chiếm lĩnh thị trường, khả năng vươn xa của doanh nghiệp. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, ổn định khâu tiêu thụ và là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các dự án do doanh nghiệp thực hiện tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện theo chuỗi, quy mô tập trung, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, có gắn kết với thị trường tiêu thụ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với ngoài mô hình. Phát triển điểm bán nông sản an toàn, xây dựng chuỗi liên kết từ nuôi trồng, sơ chế, phân phối, tiêu thụ... không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Cần phải khẳng định, chiếm lĩnh thị trường lâu dài đang là chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp thì thương hiệu ngày càng chi phối các phân khúc giá trị của sản phẩm. Một nền kinh tế phát triển bền vững, một quốc gia lớn mạnh cần phải có những thương hiệu có sức cạnh tranh cao cả ở trong thị trường nội địa và quốc tế.