Return to site

STARTUP VIỆT CÓ THÊM SỨC MẠNH KHI CHÍNH PHỦ ĐỒNG HÀNH

Ngày 18/5/2016, Đề án 844 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Kể từ đó, khái niệm “quốc gia khởi nghiệp” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, đặc biệt là Israel.

Những kết quả ban đầu của đề án đã cho thấy giá trị và sức lan tỏa của chính sách, cũng như sự phối hợp hiệu quả của Ban quản lý Đề án 844 với các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp uy tín trên cả nước.

Ở thời điểm ấy, lãnh đạo Bộ KH&CN đã nhìn thấy hiệu quả ban đầu của những làn sóng đầu tư của IDG Ventures vào những năm 2000 hay những công ty, doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn vào nhiều sàn thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Sendo… vào những năm 2010. Theo lời ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844, Bộ KH&CN tin rằng để những thành công như thế được nhân rộng cần phải có một cú hích từ Chính phủ. Điều đó có nghĩa là hệ sinh thái khởi nghiệp được thiết kế một cách có hệ thống từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, tổ chức ngoài xã hội. Khi tất cả đã vào nhịp sẽ tạo ra một lực lượng lớn doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chèo lái con thuyền kinh tế trong tương lai.

Bởi thế trong giai đoạn 2016-2021, Đề án 844 đã tập trung xây dựng nền tảng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức chung, truyền tải văn hóa khởi nghiệp cũng vận động hành lang cho những chính sách liên quan ra đời. Các nhóm nhiệm vụ từ Đề án 844 ra đời với hàng trăm các khóa đào tạo cùng hàng nghìn người được tham gia. Giới trẻ hiểu hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và được đào tạo bài bản chứ không phải là chuyện “đi học mót” hay “làm mãi thì quen, thì vỡ vạc”.

Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 đã có hơn 100 nhiệm vụ được phê duyệt để chung tay phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước với sự tham gia của 57 tỉnh thành phố. “Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục cũng tiếp cận và đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy, có thể kể tới như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa, Học viện Bưu chính viễn thông… Quan trọng hơn, một thế hệ trẻ đã được tiếp cận với triết lý, tư tưởng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” – ông Từ Minh Hiệu nói.

 

Cùng với đó, Đề án 844 cũng nghiên cứu và xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2016, chưa có quy định nào về đầu tư mạo hiểm hay ưu đãi hỗ trợ với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian. Trong khi đó, đây gần như là vấn đề sống còn cho một startup ra đời. Trong năm năm qua, Bộ KH&CN với sự tham mưu của Đề án 844 đã đề xuất và xây dựng nhiều chính sách mà theo ông Từ Minh Hiệu “dù còn sơ khai nhưng đã tác động tích cực lên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”.

“Bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp đã dần đầy đủ. Vấn đề của giai đoạn tới là sử dụng các nguồn lực và mối liên kết hợp tác để các mảnh ghép trở thành khối vững chắc để phát triển hệ sinh thái” – ông Từ Minh Hiệu nói.

broken image

Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN)

Một trong những con số được giới đầu tư và khởi nghiệp chia sẻ thời gian gần đây là lượng đầu tư vào Việt Nam trong chín tháng năm 2021 lên tới hơn 1 tỷ USD. Nếu như năm 2020, số lượng đầu tư sụt giảm so với năm 2019 thì sức bật trở lại của thị trường đầu tư cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào nội lực của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

broken image

“Chúng tôi kỳ vọng hình thành được hệ thống trung tâm khởi nghiệp đổi mới quốc gia tại các bộ, ngành địa phương và tạo thành liên kết mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Nếu trung tâm khởi nghiệp là phần cứng thì mạng lưới khởi nghiệp là phần mềm để hỗ trợ cho các hoạt động thúc đẩy kết nối trong hệ sinh thái” – ông Từ Minh Hiệu nói. Mục tiêu trước mắt là hệ sinh thái Việt Nam lọt vào top 15 hệ sinh thái mới nổi của khu vực châu Á Thái Bình Dương.