Return to site

VĨNH PHÚC NỖ LỰC HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP

Từ khi Chính phủ phát động vào năm 2016, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) trên khắp cả nước được triển khai đồng bộ và đa dạng. Tính đến nay, cả nước có hơn 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của cộng đồng DN VN. Hòa chung vào làn sóng đó, tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái KNÐMST trên địa bàn; tạo lập môi trường để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới phong trào sáng tạo trong doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững.

broken image

Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký sản xuất kinh doanh, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97%. Những năm qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giải quyết việc làm cho trên 70 nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo bước đột phát trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đổi mới phương thức làm ăn ở nông thôn.... Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào một số chỉ tiêu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất. Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thật sự phát triển toàn diện trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt được những khó khăn này, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn không ngừng nỗ lực hoàn thiện cơ chế để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương một cách toàn diện hơn.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) bao gồm các thành phần: Nhà nước và chính sách, tài chính, văn hóa, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nguồn nhân lực và thị trường. Ngay từ giai đoạn đầu, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận định, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, cần liên kết tổng hoà của rất nhiều yếu tố, trước hết là nỗ lực của chính quyền năng động và đủ quyết tâm xây dựng hệ thống: Phát triển hạ tầng đồng bộ từ giao thông đến thông tin truyền thông và xây dựng khung pháp lý tạo hành lang đủ rộng cho doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hệ thống công chức; xây dựng văn hoá khởi nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục, các trường đại học và trường đào tạo nghề và liên tục phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường, từ thị trường lao động đến thị trường vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển doanh nghiệp lớn, tạo vai trò dẫn dắt cho doanh nghiệp nhỏ; cải cách, xây dựng nền tư pháp tiến bộ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là tạo hành lang phát triển các nhà đầu tư thiên thần.

broken image

Trong giai đoạn 2013-2022, thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-UBND ngày 18/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8912/KH-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ngày 26/6/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, sẽ hình thành 01 khu tập trung hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở bổ sung chức năng nhiệm vụ quản lý, vận hành cho Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Hình thành 01 khu vườn ươm phức hợp giành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và quản lý vận hành. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án về Hỗ trợ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thu hút, hình thành một số mô hình vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng đã Thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; song song phát động các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp’’; Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm diễn đàn khởi nghiệp nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách của tỉnh về khởi nghiệp tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.

broken image

Nhằm khuyến khích nguồn lực tri thức trẻ, ngày 24/5/2022 Vĩnh Phúc cũng đã ban Kế hoạch số 133/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022. Đáng chú ý, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại một số trường cao đẳng, đại học trong tỉnh ngay từ năm học 2016 - 2017; Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã tổ chức thành lập “Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp” cấp tỉnh.

Thông qua các Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa thực tiễn cao đã khuyến khích tinh thần lập nghiệp của người dân Vĩnh Phúc lên cao hơn bao giờ hết, không chỉ trong cộng đồng người trẻ mà còn cả học sinh, sinh viên, người cao tuổi... Có thể nói đóng góp trước hết trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước hết là từ những quyết sách nhanh, đúng trọng tâm của các chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan ban ngành liên quan.