Return to site

CÁC VƯỜN ƯƠM CẦN NĂNG ĐỘNG HƠN

-Hồng Nhung-

Sau 7 năm hình thành, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã đạt ngưỡng nhất định về vốn (huy động được 1,5 tỷ USD trong năm 2021), về số lượng startup (3.800 startup), về quỹ đầu tư (217 quỹ/nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động), về vườn ươm (119 tổ chức, cơ sở ươm tạo) và hoạt động khởi nghiệp (138 trường đại học/cao đẳng có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp).

Phải thừa nhận thời gian qua, các chính sách khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư và sự năng động của startup đã “tô vẽ” cho bức tranh khởi nghiệp Việt Nam những gam màu sáng sủa.

Thế nhưng, sau 7 năm, thị trường khởi nghiệp Việt Nam lớn lên, cùng với việc xuất hiện nhiều công nghệ mới như fintech, blockchain, metaverse… đặt ra bài toán mới cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp.

broken image

Với các vườn ươm, nơi từng được coi là “thuốc tăng trưởng” khi thúc đẩy tốc độ phát triển của các startup được hỗ trợ, cũng cần những hướng đi mới. Bởi Việt Nam đã có tới 119 tổ chức, cơ sở ươm tạo, số lượng không hề nhỏ, nhưng theo chuyên gia, hoạt động hỗ trợ thực tế cho startup vẫn chưa đủ sâu.

Vì hiện nay, ngay cả nhiều vườn ươm cũng đang khó khăn trong việc vận hành và thu hút các nguồn lực. Đó là chưa kể, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ mới, đội ngũ cố vấn, chuyên gia trong các vườn ươm cần đủ trải nghiệm, kinh nghiệm trong lĩnh vực mới để đưa ra chiến lược tư vấn phù hợp cho startup.

“Các cố vấn, chuyên gia có kinh nghiệm là tốt nhưng nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng kinh nghiệm, không có tư duy sáng tạo, áp đặt những cái mình đang có vào mô hình kinh doanh hay trong những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ, vô hình chung kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của các bạn”, TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhấn mạnh.

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn mới, với sự ra đời của lứa startup mới hoạt động trong lĩnh vực blockchain, metaverse, cần “toa thuốc” tăng trưởng mới từ các vườn ươm khởi nghiệp.

broken image

Theo bà Quỳnh Võ - Giám đốc Chương trình Zone Startups Việt Nam, có ba tổ chức phục vụ cho ba quá trình ươm tạo khởi nghiệp. Nhưng ở Việt Nam chưa phân biệt rõ tính chất và chức năng của từng tổ chức. “Vừa rồi tôi đại diện cho Zone Startups cùng Think Zone, SIHUB và SwissEP và một số quỹ đầu tư khác đã gặp nhau tại Tuy Hòa để bàn luận với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp về cách làm cho hệ sinh thái này vững mạnh hơn và phân định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị”, bà Quỳnh Võ cho biết.

Tổ chức đầu tiên là trường đại học, nơi giúp sinh viên nghiên cứu khoa học và cho họ làm quen với tinh thần doanh nhân khởi nghiệp. Kế đó là vườn ươm khởi nghiệp, nơi cùng startup ươm mầm ý tưởng và đào tạo cho người sáng lập cách hình thành một công ty. Đây là nơi dạy cho người sáng lập doanh nghiệp các bước đi đầu tiên của một startup, giúp họ hình thành sản phẩm phù hợp với thị trường. Vườn ươm cũng giúp họ đưa sản phẩm ra thị trường, hay cũng có thể gọi là thương mại hóa sản phẩm và tìm ra khách hàng. Trước khi đến bước gọi vốn, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp đào tạo họ cách trình bày khi đi gọi vốn. Họ cần phải biết các quỹ đầu tư mạo hiểm muốn nghe điều gì, cần thể hiện tầm nhìn của mình như thế nào. Họ phải thể hiện được startup của mình trở thành một công ty như thế nào và muốn người khác nhìn về mình ra sao. Khi gọi vốn thì startup phải trình bày cho nhà đầu tư thấy được tương lai của doanh nghiệp. Khi hiểu được nhà đầu tư muốn gì thì startup cũng phải trang bị khả năng làm được điều mình hứa. Ba tổ chức này cần có sự liên kết xuyên suốt cho đến khi startup đủ lực để gọi vốn.

Để tạo ra sự liên kết mang tầm quốc gia của ba tổ chức trên, cần có những chương trình thử nghiệm do Nhà nước chủ trì. Cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nên đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực với những đề bài định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ y khoa hay công nghệ giáo dục... Bà Quỳnh đưa ra ví dụ, liên kết từ các trường đại học, vườn ươm và chương trình tăng tốc trong quá trình thử nghiệm sẽ được những chuyên gia trong ngành phân tích và đánh giá. Qua đó, hiểu được từng bước từ nghiên cứu đến ra thị trường và kinh doanh. Nhà nước cũng sẽ thấy rõ hiệu quả ươm mầm từ nghiên cứu của các trường đại học đến thực tiễn.

Bên cạnh đó, bà Quỳnh cho biết nguyên nhân các vườn ươm ở các tỉnh chưa hoạt động sôi nổi như ở thành phố lớn vì thị trường vốn chưa nhiều. Dù một số vườn ươm ở Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ đã đổ nhiều tâm huyết nhưng chưa đánh bại được tâm thế chưa dám lớn mạnh của các startup ở đây. Theo bà Quỳnh, các tỉnh, thành nên khuyến khích startup như trường hợp GoStream được các ban ngành ở Nghệ An xúc tiến quảng bá khi gọi được vốn. Đây cũng là cách lan tỏa cảm hứng cho các startup khi họ còn rụt rè với khởi nghiệp và mở rộng quy mô kinh doanh.