Vốn đầu tư mạo hiểm là nguồn tài chính mà các nhà đầu tư cung cấp cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ được cho là có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đối với nhà các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì khoản vốn này rất quan trọng trong quá trình hoạt động, phát triển doanh nghiệp trong tương lai. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang từng bước khẳng định chính mình để thu hút được vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ nội và ngoại.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI
Theo Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam do hai quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures và ESP Capital công bố mới đây, chỉ trong vòng 2 năm, từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động đứng áp chót trong 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, Việt Nam đã phát triển và vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đây là cơ hội để startup Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để các quỹ đầu tư mạo hiểm mạnh dạn đầu tư như dân số vàng, thu nhập gia tăng nhanh,… Bên cạnh đó, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và những rủi ro có thể xảy đến đã khiến cho các nhà đầu tư e dè và chuyển hướng sang các khu vực có tiềm năng hơn với cái tên mới nổi Đông Nam Á. Và Việt Nam là điểm đến sáng giá. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng kỷ lục. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang dẫn đầu đến từ Hàn Quốc, sau đó là Singapore và Nhật Bản.
Bà Hoàng Thị Kim Dung - Trưởng đại diện văn phòng Genesia Ventures tại Việt Nam nhận định: “Nếu như mình nhìn vào 2 đến 3 năm trước thì hệ sinh thái đang nở rộ. Đó là phong trào khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn Covid đến cũng mang lại những tác động cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Nhìn vào mặt tích cực, tôi đánh giá, gần đây phong trào không chỉ dừng lại ở trào lưu. Mà ở đó, các startup chất hơn, không còn quá chú trọng về số lượng, mà chú trọng về chất lượng, cụ thể ở đây là các startup giải quyết những bài toán thực hơn”.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, địa phương và các yếu tố kinh tế, xã hội… mang tính khách quan, startup đóng vai trò then chốt trong việc thu hút, hấp dẫn quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước. Tại Hội nghị kết nối “Pitching Day” phục vụ triển khai nhiệm vụ “Phát triển mạng lưới các cá nhân, tổ chức có hoạt động hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST”, Á quân Techfest 2020 EM&AI cũng đã nhấn mạnh quyết tâm của cộng đồng startup với khẳng định: “Khởi nghiệp không dành cho những người dễ nản lòng”.
TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ MẠO HIỂM
Trước tác động của đại dịch Covid-19 mặc dù dòng vốn đầu tư có giảm xuống nhưng triển vọng về thị trường vốn đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, nhờ một số tiềm năng sau: bối cảnh thế giới có những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, đó là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, đặc biệt là các cân đối lớn của nền kinh tế; nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có thể nói, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường tài và hứa hẹn mang lại sự khởi sắc trong hoạt động đầu tư và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Đại dịch Covid-19 được xem là “cú hích” cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực y tế, tiềm năng tăng trưởng của ngành chăm sóc sức khỏe tư nhân và các dịch vụ giáo dục. Bên cạnh lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang hướng vào lĩnh vực năng lượng sạch, tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo ông BÙI THÀNH ĐÔ - Giám đốc và đồng sáng lập ThinkZone Ventures: “Việt Nam hiện là một trong những nước thu hút nguồn vốn đầu tư nhất trong khu vực. Liên tiếp nhiều năm qua, Việt Nam là một trong ba nước khu vực hút nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp. Khẩu vị đầu tư có thể sẽ thay đổi nhiều sau Covid nhưng nhìn chung, các lĩnh vực vẫn đang thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư bao gồm: du lịch, bán lẻ, logistic, healthcare. Theo như thống kê tôi biết, chiếm đến 60% tổng vốn đầu tư là vào tài chính ngân hàng”. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Thực tế những cái tên nổi lên trong cộng đồng khởi nghiệp VN những năm gần đây đều là các startup công nghệ biết nắm bắt xu hướng, đi tắt đón đầu để chủ động đưa ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Thực tế này cũng đã giúp những kì lân thế giới như Uber, Grab, Airbnb… vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn để vươn lên trở thành những tên tuổi lớn hiện nay.
Cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở chỗ, do không thống nhất được giữa các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư thiên thần nên quá trình chuẩn bị gọi vốn đến giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư kéo dài gần 18 tháng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup. Do đó cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại,… có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh. Với mục tiêu đó, Liên minh Quỹ đầu tư Việt Nam (VVCA) với 17 thành viên gồm: ThinkZone Ventures, 500 Startups, CyberAgent Capital, Vietnam Investment Group... chính thức ra đời.

Liên minh Quỹ đầu tư Việt Nam đã chính thức ra đời
Tính đến nay, trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có hơn 100 quỹ đầu tư bao gồm quỹ nội và ngoại. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.
Nguồn: Vietnam Silicon Valley