Return to site

KHỞI NGHIỆP TỪ SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG

 

Sinh năm 1992 tại Thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, 18 tuổi sau khi lập gia đình, Hoa được tiếp cận và nhanh chóng tìm được đam mê với nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình nhà chồng. Nhận thấy việc kinh doanh nhỏ lẻ tự sản xuất và bán lẻ không thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế cũng như thỏa mãn đam mê, cô gái trẻ dành nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm, không ngừng học hỏi, đọc và học thêm qua nhiều sách báo, Internet. Với ước mơ gây dựng và phát triển thương hiệu riêng, góp phần đưa đặc sản của quê hương đến được với thực khách trên mọi miền Tổ quốc, năm 2015, Hoa đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods do chính mình làm chủ. Năm 2021, ý tưởng “Mang đặc sản thịt chua đến mọi miền Tổ quốc” của Hoa đã đạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp năm 2021” do Tỉnh đoàn Phú Thọ vừa tổ chức.

broken image

Cô gái Mường với ước mơ khởi nghiệp từ sản vật của Phú Thọ

Câu hỏi 1: Xin chào Thu Hoa. Bạn có thể chia sẽ cho độc giả nghe về hành trình khởi nghiệp của mình cùng thương hiệu Trường Foods được không?

Xin chào độc giả, Tôi là Nguyễn Thị Thu Hoa, Founder và Ceo của Công ty Trường Foods. Nghề làm Thịt chua đến với tôi như một cơ duyên đặc biệt: Tôi, một cô gái dân tộc Mường mới tốt nghiệp Trung học phổ thông, lấy chồng sớm năm 18 tuổi, chưa có kiến thức, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm nào về khởi nghiệp và kinh doanh. Tôi được mẹ chồng truyền lại cho nghề làm Thịt chua, thời gian đầu tôi làm thịt chua chỉ đề xác định có một công việc duy trì cuộc sống, nhưng người ta nói nghề chọn người nhiều hơn là người chọn nghề, cái đam mê với thịt chua, với đặc sản Đất Tổ đã gắn liền tôi như là cơ duyên vậy. Tôi làm, tôi học, tôi xây dựng, cải tiến bằng sự nhiệt huyết và đam mê, không những chỉ đơn giản muốn làm thịt chua là 01 nghề cho riêng mình mà đặc biệt hơn nữa là tôi muốn thực hiện một khát khao đưa thịt chua phải trở thành đặc sản nổi tiếng, là thương hiệu quốc gia và được mang đến khắp mọi miền tổ quốc, người người, nhà nhà đều biết đến và tin dùng Thịt chua. Ngày 02/06/2015, công ty CP SX&TM Trường Foods chính thức thành lập, là doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối Thịt chua.

Để biến từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phát triển thành công ty dẫn đầu chiếm 40% thị phần thịt chua tại Phú Thọ và các tỉnh thành lân cận hiện tại, chúng tôi tập trung tạo ra công thức sản xuất hàng loạt nhưng vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của thịt chua. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu bên tôi lựa chọn là nguyên liệu sạch từ các nhà cung cấp uy tín. Bên cạnh đó chúng tôi chú trọng xây dựng Kênh phân phối, tiếp cận Khách hàng cả online lẫn offline, đến thời điểm hiện tại chúng tôi đạt được một số thành tựu được kể đến như: Có gần 5000 điểm bán trên cả nước; Cung cấp cho thị trường hơn 2.500.000 sản phẩm mỗi năm. Doanh thu của chúng tôi cũng liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây: Năm 2020 đạt 40 tỷ VNĐ; Năm 2021 dù ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi vẫn chạm đến con số 52 tỷ VNĐ. Năm 2022 ước tính doanh thu của Trường Foods sẽ đạt khoảng 65 tỷ VNĐ. Chúng tôi cũng đã thành công đạt được các chứng nhận ISO 22000, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận Ocop 4 sao 5 sản phẩm (Thịt chua tỏi ớt, Thịt chua truyền thống, Thịt chua ống nứa, Nem sợi, Thịt muối).

Câu hỏi 2: Chắc hẳn là đã có không ít khó khăn trong những buổi đầu khởi nghiệp?

Đúng vậy, do muốn cơ giới hóa sản xuất nhưng chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm nên tôi đã từng mua phải loại máy không phù hợp, mất cả mấy chục triệu đồng mà đành bó xó. Tính ra, những năm 2010, 2011, tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng, phần vì đầu tư không hiệu quả, phần vì sản phẩm không đảm bảo chất lượng, phải thu hồi.

Năm 2018, trận lũ lịch sử quét qua huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã khiến xưởng sản xuất Trường Foods bị trôi hàng hóa, hỏng phần lớn trang thiết bị, máy móc.

Năm 2020 dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng lớn đến giá cả, nguồn nguyên liệu khan hiếm công ty buộc phải nâng giá sản phẩm dẫn đến sản phẩm khó bán ra thị trường hơn. Ngoài ra, người dân do sợ thịt lợn bệnh nên khả năng đón nhận và tiêu thụ thịt chua giảm mạnh.

Và mới đây nhất, liên tục trong hai năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid lan rộng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường của công ty.

Nhưng chính những khó khăn đó đã trở thành động lực mạnh mẽ để tôi cố gắng phấn đấu, tìm ra giải pháp. Bằng chứng là kể từ khi thành lập đến nay, Trường Foods liên tục tăng trưởng dương và mở rộng quy mô sản xuất.

broken image

Sản phẩm của Trường Foods ngày càng được thị trường đón nhận nhiều hơn

Câu hỏi 3: Thịt chua được biết đến là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất và cung cấp mặt hàng này. Vậy theo bạn, điều gì làm nên thương hiệu của Trường Foods trong lòng người tiêu dùng?

Trường Foods chọn cho mình lối đi riêng, tập trung xây dựng tính độc nhất của sản phẩm:

- Là thương hiệu uy tín có nền tảng kinh nghiệm gần 20 năm, được các đơn vị truyền thông uy tín đưa tin (VTV1, VTV6,…). Đồng thời, Trường Foods cũng là thương hiệu thịt chua đầu tiên tại Phú Thọ thương mại hóa sản phẩm này đến nhiều tỉnh thành trên cả nước.

- Nguyên liệu sạch 100% có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng: Thịt lợn (meat deli, CP), thính,…

- Chất lượng tốt: Đạt chứng nhận ISO 22000 về VSATTP Quốc tế; đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp Tỉnh năm 2021; đạt chứng nhận OCOP 4 sao tỉnh Phú Thọ với 05 sản phẩm dẫn đầu: thịt chua truyền thống, thịt chua vị tỏi ớt, thịt chua ống nứa, nem sợi và cá thính.

- Đóng gói khác biệt: Sử dụng nắp gelatin, trên tem sản phẩm có mã QR code và tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm

- Xây dựng hệ thống Nhà phân phối, Đại lý, kênh tiếp cận khách hàng khác biệt hiệu quả

- Đảm bảo cung cấp đầy đủ sản phẩm với chất lượng tốt nhất đến tay khách hàng.

- Đảm bảo cung cấp sản phẩm mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào khách hàng cần.

- Khách hàng được đặt hàng trực tuyến mà không cần phải đếm trực tiếp điểm bán: thời gian giao hàng nhanh, hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch.

- Các chính sách khuyến mại hỗ trợ khách hàng giúp đảm bảo khách hàng được sử dụng trải nghiệm sản phẩm với giá thành hợp lý nhất.

- Khách hàng luôn được các trải nghiệm mang tính cá nhân hóa.

- Cung cấp toàn bộ thông tin về sản phẩm họ cần bao gồm cả địa chỉ có thể tìm mua một cách dễ dàng.

- Sử dụng đa dạng kênh để phục vụ tốt nhất yêu cầu của khách hàng, việc tương tác trở nên liền mạch và kịp thời cần khiến khách hàng thấy bản thân coi trọng hơn.

- Xây dựng các chính sách hấp dẫn thu hút khách hàng. Ví dụ: Đối với Nhà phân phối của Trường Foods ngoài việc được hưởng các quyền lợi chiết khấu về giá, thưởng sản phẩm theo tháng/quý/năm thì Nhà phân phối còn có cơ hội nhận được lương, được công ty hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm xã hội. cùng nhiều giải thưởng nóng lên cấp hấp dẫn.

Câu hỏi 4: Là một doanh nghiệp, Trường Foods đóng góp như thế nào cho sự phát triển của kinh tế địa phương cũng như việc làm cho người lao động trên địa bàn?

Trường Foods đặt mục tiêu và tầm nhìn dài hạn trong việc góp phần phát triển đã dạng các sản phẩm cho ngành thực phẩm của địa phương. Hơn ai hết, là những người khởi nghiệp, chúng tôi mong muốn truyền tải đam mê làm giàu chân chính của mình đến các bạn trẻ Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi cũng hi vọng sẽ góp phần nhỏ bé của mình đối với sự tăng trưởng của ngành sản xuất thực phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh mà Việt Nam chúng ta có muôn vàn sản vật địa phương tuyệt vời và cần được quảng bá khắp năm châu.

broken image

Khủng hoảng do đại dịch covid gây ra cũng khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều. Trường Foods đã rất nỗ lực và gặp may mắn khi vượt qua được 2 năm sóng gió này với tăng trưởng doanh thu khả quan, vì thế, chúng tôi cũng muốn.góp phần tạo động lực cho nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn. Hiện nay, không chỉ đảm bảo việc làm và thu nhập cho gia đình, Trường Foods đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 50 người là nông dân, lao động tại địa phương; tạo sinh kế cho hàng trăm gia đình bằng việc tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và hệ thống bán hàng; tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng từ ngành chăn nuôi và góp thêm mặt hàng cho công nghiệp nông thôn Phú Thọ. Chúng tôi cũng hỗ trợ tạo nguồn tài chính cho các cơ sổ, hộ gia đình cung cấp nguyên vật liệu sản xuất tại địa phương cung ứng cho doanh nghiệp (như thịt lợn, thính, lá…)

Câu hỏi 5: Được biết, Trường Foods rất tích cực tham gia vào các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là tìm kiếm các nhà đầu tư, chuyên gia thông qua các hội nghị xúc tiến, tiêu biểu như Hội nghị “Kết nối chia sẻ nguồn lực, kết nối đầu tư và tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Cục Phát triển thị trường (Bộ KHCN) phối hợp tổ chức tại Phú Thọ. Tham gia những sự kiện gặp gỡ và có cơ hội pitching sản phẩm doanh nghiệp như thế này mang lại những cơ hội nào cho Trường Foods?

Trường Foods rất vinh dự và may mắn khi liên tục được tham dự các sự kiện xúc tiến đầu tư trong thời gian qua. Bản thân doanh nghiệp nhận thấy đây là những cơ hội quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến công chúng và những người quan tâm. Đặc biệt, thông qua những sự kiện này, chúng tôi cũng gia tăng cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, gặp gỡ các chuyên gia để được lắng nghe những chia sẻ, lời khuyên từ phía những người có kinh nghiệm đi trước trong mọi vấn đề như quản trị, kêu gọi và xoay vòng vốn, quảng bá và marketing sản phẩm…

Đặc biệt, từ những lần đi pitching mô hình kinh doanh khởi nghiệp như thế này, khả năng thuyết trình của tôi cũng tăng lên rất nhiều (cười). Tôi tự tin hơn khi gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương… vì thế tôi luôn tâm niệm phải tận dụng các cơ hội gặp gỡ này. Không chỉ vậy, thông qua đó, chúng tôi cũng có những cuộc gặp, trao đổi và học hỏi từ các doanh nghiệp, mô hình kinh doanh khác về kinh nghiệm sản xuất, vận hành và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, từ đó gia tăng việc mở rộng mối quan hệ với các đối tác, cơ quan ban ngành.

Câu hỏi 6: Các bạn mong chờ sẽ nhận được điều gì nếu tìm kiếm được nhà đầu tư phù hợp?

Trên đà tăng trưởng hiện tại, Trường Foods rất mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư phù hợp để bổ sung nguồn vốn nghiên cứu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và cải thiện môi trường làm việc, tăng cường kiến thức – kỹ năng – kinh nghiệm chuyên môn cho nhân sự, tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp.

Câu hỏi 7: Một vài kiến nghị, đề xuất hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bản địa như Trường Foods có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh?

Là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản vật địa phương, Trường Foods mong rằng thời gian tới các cơ quan ban ngành sẽ quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho các startup. Cụ thể: Phát huy vài trò của đội ngũ cố vấn khởi nghiệp, hỗ trợ về mặt pháp lý cho các startup; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh, vận chuyển; Hỗ trợ về thủ tục thành lập, đầu tư, thuế, thương mại hóa sản phẩm công nghệ, hỗ trợ trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn địa phương tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư thiên thần để hỗ trợ mạnh mẽ về vốn cho các startup như Trường Foods có thêm sức mạnh để bay cao và bay xa hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị Thu Hoa!