Return to site

VÌ CHÚNG TA CẦN NHAU

Hệ sinh thái khởi nghiệp cấu thành từ 3 yếu tố gồm startup, truyền thông và giới đầu tư. Chúng hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy vai trò mạnh mẽ của từng yếu tố. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và startup là một mối quan hệ thú vị, được ví như 1 cuộc hôn nhân đòi hỏi cả lý trí và tình cảm và cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực. 

broken image

“Việc của nhà đầu tư là đầu tư và làm cho đồng tiền sinh sôi nảy nở. Với người sáng lập khởi nghiệp, phần nhiều đó là câu chuyện đam mê và ước mơ” - Malini Goyal. Để cả hai gặp nhau và đi đến một cuộc “hôn nhân” tốt đẹp đòi hỏi sự hiểu biết về kỳ vọng của cả hai phía, và điểm gặp nhau giữa những kỳ vọng này. Ở một thị trường mới mẻ như Việt Nam, việc hiểu lại càng cần thiết. Khi hiểu về đối phương và kỳ vọng thì việc chấp nhận đi cùng nhau mới có thể thực sự đơm hoa kết trái và mang lại một hợp tác mang tính hai bên cùng thắng thay vì một trò chơi tổng không – bên thắng và bên thua hoặc tệ hơn, cả hai cùng thua.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các yếu tố cấu thành đều trở nên quan trọng chứ không tồn tại duy nhất độc lập. Theo đó, startup là người đưa ra sản phẩm và ý tưởng, từ đó quyết định truyền thông như thế nào, quyết định giới đầu tư trao cho họ bao nhiêu vốn. Truyền thông đóng vai trò kết nối giữa sản phẩm và người tiêu dùng cùng thị trường tiêu thụ, mang những giá trị kết nối vô hình. Cuối cùng, giới đầu tư quyết định sự sống còn cũng như sự phát triển của sản phẩm của một startup.

Vậy mối quan hệ giữa startup và nhà đầu tư có thật sự win - win? 

Câu trả lời là đúng vậy. Tiến sĩ Thạch Lê Anh – chuyên gia đầu tư khởi nghiệp hàng đầu hiện nay từng nhiều lần khẳng định, nhà đầu tư cần startup như startup cần nhà đầu tư vậy. Suy cho cùng, startup và nhà đầu tư phải xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi thì mới hợp tác bền vững. Nhà đầu tư thu lợi nhuận từ số vốn bỏ ra ban đầu trong khi startup có thể giải quyết các vấn đề xã hội và kiếm tiền từ đó bằng cách kêu gọi đầu tư, thậm chí bán công ty cho các tập đoàn lớn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều quan trọng là hai bên phải hiểu nhau và có chung quan điểm về sản phẩm, bởi startup được rót nhiều tiền chưa hẳn đã tốt, đôi lúc chính chúng lại khiến doanh nghiệp “chết” nhanh hơn nếu startup và nhà đầu tư không cùng nhìn về một hướng.

broken image

Tìm kiếm nhà đầu tư cũng giống như đi tìm bạn đời. Startup và nhà đầu tư phải dành thời gian tìm hiểu nhau trong thời gian dài, tạo sự tin tưởng với nhau từ đó mới quyết định có nên đi chung đường hay không. Tuy nhiên, nếu công ty chưa tạo ra sự tăng trưởng, chưa chứng minh được mô hình kinh doanh có thể lặp lại hoặc mở rộng một cách nhanh chóng thì sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư rót vốn. Tùy từng giai đoạn tài trợ vốn mà nhà đầu tư sẽ có những yếu tố đánh giá khác nhau đối với startup. Cụ thể, trong vòng gọi vốn hạt giống, các nhà đầu tư thiên thần sẽ tập trung chủ yếu vào chất lượng đội ngũ (kỹ năng, kinh nghiệm…) của startup, khả năng xác định vấn đề thị trường đồng thời đo lường khả năng giải quyết vấn đề của sản phẩm. Chỉ khi startup bước vào giai đoạn tăng trưởng, nhà đầu tư mới đặc biệt chú trọng đến mức tăng trưởng doanh thu, người dùng…

Thêm nữa, nhà đầu tư cần đảm bảo sản phẩm được rót vốn sẽ không gặp các rủi ro pháp lý trong tương lai. Theo kinh nghiệm của luật sư chuyên hỗ trợ cho các startup, nhà đầu tư sẽ xem xét một số vấn đề như: đăng ký bảo hộ ý tưởng kinh doanh, kế hoạch phát triển thương hiệu, khả năng đáp ứng các quy định pháp luật của nước sở tại liên quan đến ngành nghề kinh doanh… Ở chiều ngược lại, các startup cũng đặt ra những tiêu chuẩn riêng khi lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Trần Hữu Đức - CEO VIISA.vn nói: "Ba năm trở lại đây, startup vẫn còn có sự e dè và đôi khi rất khó để tiếp cận nhà đầu tư. Nhiều khi tập đoàn lớn thì nghĩ là họ đang là người cho đi nhiều hơn, hoặc là cho rằng họ có nhiều tiền, những dự án như vậy họ có nhiều nguồn lực thì họ tự làm chứ đầu tư cho startup làm gì. Nhưng đó là những suy nghĩ rất sai lầm". Ngược lại, ông Phạm Ngọc Huy – Quỹ đầu tư VSV lại cho rằng, nhiều startup xác định mối quan hệ hợp tác giữa hai bên là ngắn hạn, vì thế họ chưa thực sự có trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Giám đốc điều hành quốc gia IFC tại Việt Nam - Lào - Campuchia, ông Kyle F. Kelhofer cũng đồng quan điểm với việc các startup phải xác định tiền không phải là duy nhất, quan trọng cần hiểu được chính xác giá trị đằng sau sự hỗ trợ của nhà đầu tư là gì. Ông nói: "Một bộ phận startup không trân trọng sự hỗ trợ của nhà đầu tư và họ cũng không biết rằng mình có thể mang lại gì cho nhà đầu tư".

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Theo bà Thạch Lê Anh – GĐ Quỹ đầu tư VSV, ngay từ đầu, các startup đã phải xác định nhà đầu tư nào là phù hợp với mình cả về mối quan tâm, khát vọng và cách làm để hướng tới một mối quan hệ lâu dài. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều cho điều đó, khi tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ các bên như sân chơi Techfest Việt Nam, Techfest vùng... Đây là nơi các startup và các nhà đầu tư có thể trao đổi và hiểu nhau hơn, cũng là cơ hội để họ tìm kiếm được đối tác phù hợp. Từ đó, nhà đầu tư và startup có thể học ngôn ngữ của nhau. Khi nói về chiến lược, mối quan hệ đối tác phải có ngôn ngữ chung. Nếu có chung tiếng nói, về lâu về dài sẽ không có quá nhiều vấn đề phát sinh. Cả hai bên phải hiểu được lợi ích của bên còn lại là gì. Khi làm việc chung, cần phải nhìn vào trọng tâm, cái quan trọng nhất để cùng giải quyết, quan trọng nhất là sự đồng điệu về tầm nhìn chiến lược.

broken image

Bà Lê Anh nhấn mạnh, kinh nghiệm đầu tư của VSV cho thấy, khi hợp tác, startup và nhà đầu tư nên tập trung vào mối quan hệ dài hạn, một cộng một có thể không phải bằng hai, nếu một cộng một mà bằng ba, bằng bốn năm thì mới nên hợp tác. Phải hiểu được như thế thì mới dễ thống nhất được cách làm việc cả về thời gian và tiến độ, đồng hành với nhau trên 1 con đường dài, vì xét đến cùng, đó là mối quan hệ mà đôi bên cần phải có nhau.