Return to site

ƯƠM MẦM KHỞI NGHIỆP XÃ HỘI

Khởi nghiệp xã hội được xem là một mô hình khởi nghiệp đặc biệt, vừa giúp các bạn trẻ xây dựng ước mơ làm giàu, đồng thời tạo ra những giá trị tốt đẹp, cải thiện đời sống cộng đồng xã hội. Các ý tưởng kinh doanh xã hội thường tập trung tận dụng nguồn rác thải để tái chế sản xuất phân bón tự nhiên, tạo cơ hội việc làm cho người nội trợ thất nghiệp hoặc những mô hình giáo dục sáng tạo để phát triển tiềm năng của trẻ em hay bảo tồn văn hoá… Doanh nghiệp xã hội chính thức được đưa vào Luật Doanh Nghiệp Việt Nam vào tháng 11/2014 đã mở ra một chương mới, một cơ hội mới rộng lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế tại Việt Nam đã xuất hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp có đặc điểm, tính chất như doanh nghiệp xã hội từ lâu đời. Theo số liệu của Hội đồng Anh thì Việt Nam có khoảng 165.000 tổ chức như vậy. Các mô hình Doanh nghiệp xã hội nổi tiếng phải kể đến như Reaching Out, Kymviet, Thương Thương Handmade, Blind Link, Tò he, Sapa O’Chau …góp phần giải quyết vấn đề lao động cho người khuyết tật.

Khởi nghiệp xã hội đang vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội thu được lợi nhuận, đạt tốc độ phát triển 80%, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sự lan tỏa của các mô hình khởi nghiệp xã hội trên toàn cầu, xu hướng này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Câu chuyện của doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau là một ví dụ điển hình.

Cô gái người Mông - Tẩn Thị Shu sinh ra bản Lao Chải, Sa Pa - Lào Cai. Từ năm 13 tuổi, Tẩn Thị Shu đã lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch. Shu luôn mơ ước phải làm được điều gì đó cho bản thân và những đứa trẻ trong bản để cuộc sống bớt khổ. Năm 2013, Tẩn Thị Shu thành lập Công ty TNHH MTV Du lịch Sapa O’Chau và đến năm 2017 chính thức trở thành Công ty TNHH DNXH du lịch Sapa O’Chau. Sapa O’Chau đã là nơi đồng hành, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam không còn mới nhưng những xu hướng khởi nghiệp xã hội trong nước lại đang có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ...Các doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ và nhà sáng lập startup ngày càng lựa chọn các hướng khởi nghiệp xã hội đi vào giải quyết những vấn đề khó như ô nhiễm môi trường, thực phẩm sạch, phân bón hữu cơ, phát triển bền vững. Vẫn còn những khó khăn và thách thức khi phải cân đối giữa lợi nhuận và lợi ích cộng đồng nhưng các doanh nghiệp xã hội vẫn vươn lên mạnh mẽ và đóng góp vào sự phát triển chung của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Mô hình doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động là mô hình lấy phương thức kinh doanh để hỗ trợ Chính phủ giải quyết một phần các vấn đề xã hội và môi trường. Thời gian qua, đã có rất nhiều những startup trẻ Việt Nam ngày càng ưu tiên lựa chọn hướng khởi nghiệp tạo tác động xã hội, đi vào giải quyết những tồn tại của xã hội như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, công ăn việc làm cho người yếu thế… Thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhóm DN này đã khẳng định khả năng thích ứng và đột phá, cũng như vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của xã hội bằng những giải pháp tiên tiến và mô hình kinh doanh đổi mới của mình.

Theo bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng Việt Nam (CSIP), để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xã hội, ngoài sự nỗ lực của các Startup thì còn cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đưa ra những chính sách, những khuôn khổ pháp luật để các doanh nghiệp tạo tác động có thể đi tốt được trên con đường của mình. Những mô hình kinh doanh xã hội hiện được đánh giá sẽ là xu hướng khởi nghiệp trọng tâm trong tương lai. Bởi theo quy luật tự nhiên, mô hình kinh doanh nào giải quyết được tồn đọng xã hội, tự khắc sẽ có khách hàng tìm đến và trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ đó. “Trong tất cả chương trình khởi nghiệp cho người trẻ vài năm trở lại đây tôi từng có cơ hội được tham gia với tư cách ban giám khảo, cố vấn hay người truyền cảm hứng, luôn có ít nhất 20% số hồ sơ đăng ký đến từ các Startup xã hội” – bà Oanh cho biết. Điều này có thể xem là những tín hiệu tích cực khi các vấn đề xã hội, có tính cộng đồng đang ngày càng nhận được sự quan tâm cần có. Nhiều nhà đầu tư cũng bày tò sự đánh giá cao và ưu tiên tìm kiếm những dự án tạo tác động xã hội của mô hình kinh doanh, bởi khi doanh nghiệp phát triển mở rộng, tác động sẽ được nhân rộng theo. Để ươm mầm và phát triển hơn nữa làn sóng khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam, học tập xu hướng các quốc gia phát triển, các nền tảng đào tạo, truyền cảm hứng, ươm mầm như SOIN rất đáng hoan nghênh và được đánh giá là cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp.