Return to site

NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT CỦA VĨNH PHÚC TRONG PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP

Là một trong những địa phương tích cực trong triển khai Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam”, sau hơn 6 năm thực hiện, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Ngay sau khi Đề án 844 được ban hành, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng đưa ra được Kế hoạch số 8912/KH-UBND, ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh hỗ trợ, khuyến khích Khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đang có một số lượng lớn các đối tượng có tiềm năng có thể thành lập doanh nghiệp, cụ thể: có trên 65 nghìn cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong các ngành thuộc lĩnh vực Công nghiệp, Dịch vụ; khoảng 700 hợp tác xã; số lượng sinh viên các Trường đại học, Cao đẳng, Trung cấp năm cuối tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 15.800 người. Do vậy, việc phát động phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết để thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp.

Đến tháng 6 năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

broken image

Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/QĐ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 2025 trên địa bàn.

Đến ngày 10/3/2021, UBND tỉnh Ban hành Hướng dẫn số 1549/HD-UBND thực hiện đề án 844, quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề nghị các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể; Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của Đề án 844. Theo đó, Các cơ quan ban, ngành liên quan, như Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh chủ trì theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện của Đề án 844 của Chính phủ theo quy định.

Với những tiền đề quan trọng về mặt chủ trương, chính sách, và hơn hết là quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong nỗ lực đưa tỉnh nhà trở thành địa phương dẫn đầu về phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2022, sau 2 năm kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, liên tiếp ghi dấu ấn trên bản đồ khởi nghiệp của Việt Nam. Trong đó đặc biệt phải kể đến việc đăng cai tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV tháng 3/2022. Trong ngày hội lớn của quốc gia, Vĩnh Phúc thành công ghi tên trong bảng vàng thắng lợi cuộc thi Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV, xuất sắc giành giải nhất khối học sinh và 1 giải khuyến khích khối sinh viên.

broken image

Đặc biệt, dấu ấn lớn nhất trong tiến trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Vĩnh Phúc phải kể đến là việc lần đầu tiên tổ chức thành công chuỗi sự kiện của "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất, năm 2022" (TECHFEST VINH PHUC 2022) với chủ đề “Vĩnh Phúc, Khơi nguồn đổi mới – Kiến tạo tương lai”. Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (Đề án 844). Trong khuôn khổ sự kiện, Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc - Lần thứ I, năm 2022” cũng đã được phát động, trở thành đòn bẩy khích lệ tinh thần khởi nghiệp toàn dân lên cao.

broken image

Với mục tiêu của Đề án 844 là đến năm 2025 sẽ hỗ trợ được 2.000 dự án ĐMST, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hy vọng rằng trong thời gian tới việc thực hiện Đề án 844 tại tỉnh Vĩnh phúc và nhiều địa phương khác trong cả nước sẽ được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, rộng khắp và kết nối thành một mạng lưới, đem lại thành công lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.