Return to site

THÚC ĐẨY VAI TRÒ KHỐI TƯ NHÂN TRONG PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, gần đây Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong khu vực ASEAN, theo báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2021 đạt con số kỉ lục 1,4 tỉ USD.

Đáng chú ý, vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng được thể hiện rõ.

Trên thực tế, việc các DN, tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo không còn xa lạ trên thế giới, nhất là tại những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển như Mỹ, Singapore, châu Âu... Sự hợp tác giữa cộng đồng startup với các tập đoàn lớn mang tính chất tương hỗ, hai chiều. Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp, họ được hưởng nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của các tập đoàn như vốn, kinh nghiệm quản trị, mạng lưới khách hàng… Ở chiều ngược lại, các DN lớn sẽ nhận được mô hình kinh doanh sáng tạo, mở rộng khả năng tiếp cận và đáp ứng khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ mới.

Có ba hình thức và công cụ các doanh nghiệp, tập đoàn sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là:

- Các doanh nghiệp/ tập đoàn lớn là nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Các doanh nghiệp/tập đoàn lớn hỗ trợ bằng cách là những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Các doanh nghiệp/ tập đoàn lớn cũng có thể trở thành đối tác của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo Unilever Foundry, các đối tác, mối quan hệ với startup sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với các tập đoàn. 79% doanh nghiệp và 78% công ty khởi nghiệp trả lời khảo sát mong muốn hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai. Với tinh thần đó, dù là với vai trò nào, các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn sẽ cùng đồng hành, tìm kiếm cơ hội và kết nối, hợp tác thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Phát triển mối quan hệ giữa Doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chính là một điển hình của việc thúc đẩy vai trò khối tư nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Trên thực tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân không chỉ là bệ đỡ cho các dự án startup trong quá trình khởi tạo kinh doanh mà đây còn là nguồn lực chính hỗ trợ phong trào. Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và DN KHCN: “Các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ vừa là khách hàng quan trọng, họ là thị trường quan trọng, họ là huấn luyện viên quan trọng và họ là nhà đầu tư quan trọng. Những người đã thành công trong xây dựng mô hình tập đoàn thì bao giờ tầm nhìn cũng rất lớn, hướng ra tầm quốc gia quốc tế và những định hướng, tầm nhìn đó mà chuyển được cho startup thì sẽ rất tốt. Những người quản lý ở trong tập đoàn là những người huấn luyện viên rất tiềm năng cho startup nếu muốn trở thành kỳ lân và đi ra toàn cầu.”

Một trong những hình thức tồn tại tiêu biểu nhất của các Tập đoàn, DN lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp chính là việc thành lập các quỹ đầu tư. Có thể kể ra: Grab với chương trình Grab Ventures Ignite dành hơn 1 triệu USD cho các startup. Tập đoàn Sao Bắc Đẩu cũng đã lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng vốn đầu tư hướng tới là 200 tỉ đồng. Tập đoàn Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình Thung lũng Silicon. Đó là những hỗ trợ tài chính có thể lên tới 10 tỉ đồng, tương đương 500.000 USD, tư vấn từ chuyên gia quốc tế và cộng tác với Vingroup. Hay Tập đoàn công nghệ NextTech ra mắt quỹ khởi nghiệp lai ghép từ 3 mô hình Venture Builder, Ecosystem, Venture Capital với quy mô lên đến 10 triệu USD. Các chuyên gia cho rằng những, sự hỗ trợ kịp thời này của các DN lớn sẽ giúp các dự án khởi nghiệp triển khai hiệu quả và nhanh chóng được thương mại hóa.

Có thể nói, ngân sách, tính linh hoạt và sáng tạo là một thách thức không nhỏ đối với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Để giải quyết thách thức này, mô hình hợp tác công tư (PPP) đang được xem là một giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cùng tham gia. Vườn ươm công – tư nên được khuyến khích thiết lập theo phong cách và văn hóa của các tập đoàn, bầu ra ban quản trị và chỉ định người quản lý. Xây dựng mô hình phù hợp cho các vườn ươm trong giai đoạn mới là rất cần thiết, nhất là trào lưu khởi nghiệp về công nghệ cùng với xu hướng hợp tác công – tư đang phát triển mạnh mẽ; trong đó cơ chế chính sách cần tạo điều kiện huy động các nguồn lực tham gia vào phát triển các vườn ươm hiệu quả nhất.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Nhìn lại chặng đường đổi mới của Việt Nam, có thể thấy những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đóng góp nổi bật của khối kinh tế tư nhân là việc giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, một kênh tốt huy động các nguồn vốn trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.