Return to site

PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP XÃ HỘI

Khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đói nghèo, thiên tai, sự bất cập về giáo dục, y tế... Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những cá nhân, tổ chức đi tìm những mô hình kinh doanh mới, giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng. Được coi là mô hình nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, việc xây dựng một hệ sinh thái cho khởi nghiệp xã hội vẫn còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, lĩnh vực này cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để các ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội nảy mầm và lớn lên. GreenAct chính là 1 dự án như thế!

TỪ TẦM NHÌN NHÂN VĂN

Ra đời từ thành phố Thái Nguyên, GreenAct là một trong những startup đi đầu của địa phương trong lĩnh vực môi trường. Với tầm nhìn cùng hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, GreenAct cung cấp các chương trình trải nghiệm hướng tới giáo dục môi trường, phát triển các kỹ năng mềm và thúc đẩy sự sáng tạo, tình yêu thiên nhiên, yêu khoa học của học sinh và cộng đồng. GreenAct cũng là đơn vị tư vấn, tổ chức các sự kiện, hoạt động về trải nghiệm, giáo dục môi trường cho học sinh và các tổ chức giáo dục, tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Với quyết tâm trở thành thương hiệu có uy tín hàng đầu về các chương trình giáo dục môi trường và trải nghiệm thiên nhiên tại Việt Nam, đồng thời đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, doanh nghiệp này đã và đang cung cấp các sản phẩm dịch vụ như chương trình giáo dục thiên nhiên ngắn hạn/dài hạn theo chủ đề, chương trình truyền thông tại địa phương, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực. Hướng đến đối tượng trẻ em, GreenAct mang tầm nhìn nhân văn về tăng cường tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

broken image

ĐẾN NHỮNG HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI THỰC TIỄN

Trải nghiệm đa dạng gần gũi với thiên nhiên, tham gia chế biến các sản phẩm thu hoạch, tìm hiểu, phân tích về nguồn gốc tác hại của tái chế rác thải, quy trình học tập khép kín, học sinh được phân tích, đánh giá, đúc kết lại những nội dung ý nghĩa của bài học - đó chính là mục tiêu hoạt động mà công ty trách nhiệm hữu hạn doanh nghiệp xã hội GreenAct hướng tới.

Cùng với cùng với chương trình giáo dục phổ thông, việc trau dồi cho học sinh những kiến thức, kỹ năng mềm, giáo dục về môi trường và trải nghiệm thiên nhiên là hoạt động cần thiết để các em học sinh có cơ hội học tập, tiếp thu kiến thức về môi trường, phát huy tình yêu thiên nhiên, khoa học, rèn luyện kỹ năng một cách vui vẻ, tự nhiên và an toàn. Xác định vai trò quan trọng đó, doanh nghiệp xã hội GreenAct được thành lập với sứ mệnh đi tiên phong trong lĩnh vực cung cấp chương trình giáo dục chuyên về môi trường và trải nghiệm thiên nhiên cho trẻ em tại Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Các khóa học, chương trình của GreenAct được triển khai dựa theo các mô hình mẫu tại châu u, theo đó, các em sẽ được tham gia điều tra, khảo sát thực tế, thực hành và thí nghiệm hoạt động thực tiễn học tập theo dự án nhỏ về bảo vệ môi trường do trẻ tự xây dựng và thực hiện. Theo chị Nguyễn Thị Phương Mai – cố vấn chuyên môn, giảng viên ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên, đồng sáng lập GreenAct: “Trải nghiệm thiên nhiên và môi trường hiện nay đang là vấn đề mà được Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như là các tổ chức xã hội quan tâm. Đặc biệt các bậc phụ huynh ở thành phố cũng mong muốn có những chương trình trải nghiệm thiên nhiên kết hợp với các kiến thức về khoa học và kiến thức đời sống sống để các em nhỏ có cơ hội vừa vui chơi vừa được học tập. Vì vậy mà chúng tôi hướng tới và xây dựng các chương trình một cách linh hoạt theo các địa điểm để các em học sinh có những trải nghiệm đa dạng nhất, có thể tại ngay trường học, cũng có thể là tại các trang trại, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... để trẻ có thể được học tập hoàn toàn trong thiên nhiên và được trải nghiệm các kiến thức thực tiễn về bảo vệ môi trường. Từ đó chúng tôi mong muốn sẽ tạo cho các em những nhận thức cũng như là thay đổi về hành vi đúng đắn, phù hợp hơn. Với mong muốn xây dựng một doanh nghiệp xã hội, chúng tôi cũng hi vọng tạo ra được sự tác động tới thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam để các em hướng tới những cái đẹp hơn trong môi trường".

broken image

PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP XÃ HỘI

Thời gian qua, đã có rất nhiều những startup trẻ Việt Nam ngày càng ưu tiên lựa chọn hướng khởi nghiệp tạo tác động xã hội, đi vào giải quyết những tồn tại của xã hội như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, công ăn việc làm cho người yếu thế… Thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhóm doanh nghiệp này cũng đã khẳng định khả năng thích ứng và đột phá, cũng như vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của xã hội bằng những giải pháp tiên tiến và mô hình kinh doanh đổi mới của mình.

Đáng chú ý, việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam không còn mới nhưng những xu hướng khởi nghiệp xã hội trong nước lại đang có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ...Các doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ và nhà sáng lập startup ngày càng lựa chọn các hướng khởi nghiệp xã hội đi vào giải quyết những vấn đề khó như ô nhiễm môi trường, thực phẩm sạch, phân bón hữu cơ, phát triển bền vững.

Khởi nghiệp xã hội đang vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội thu được lợi nhuận, đạt tốc độ phát triển 80%, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sự lan tỏa của các mô hình khởi nghiệp xã hội trên toàn cầu, xu hướng này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Một trong những tác động mạnh nhất là tác động đến tư duy và tầm nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp hướng về thế kỷ 21. Đó là thế kỉ của sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp mình với mục tiêu tạo tác động xã hội để làm sao cho hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới cộng đồng, hướng tới xã hội. Nó không phải mục tiêu là bác ái, là nhân văn mà nó chính là tạo ra tác động kinh doanh tốt, giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông SEAN OCONELL - Cán bộ về Quyền con người và Đổi mới sáng tạo UNDP Việt Nam lại khẳng định vai trò của cộng đồng tiêu dùng đối với sự phát triển của lĩnh vực khởi nghiệp này: Điều mà một doanh nghiệp tạo tác động xã hội cần để phát triển chưa hẳn là vốn, đầu tiên họ cần chính là thị trường chấp nhận thay đổi thói quen cũ và sử dụng sản phẩm, dịch vụ khác biệt mà họ cung cấp. Điều đó có nghĩa là họ cần cộng đồng thay đổi để ủng hộ họ. Nếu họ thành công có nghĩa là họ tạo dựng được phong cách sống thân thiện, bền vững hơn cho cộng đồng nhất định. Điều này là hết sức quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay của VN và thế giới.

Khởi nghiệp xã hội không nên chỉ dừng lại ở phong trào, mà cần trở thành một cộng đồng tạo tác động đáng kể tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Với xu hướng phát triển bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, thì doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội nước ta hoàn toàn có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.